Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, EU đã từng đưa ra các lệnh trừng phạt tài chính cách đây 2 năm nhằm đáp lại những gì được khối này cho là những hành động “phá hoại nền dân chủ” tại Ba Lan và Hungary. Các quốc gia này đã bị cáo buộc áp đặt các tòa án, cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các học viện, đồng thời hạn chế quyền của người di cư, người đồng tính và phụ nữ.
Theo Reuters trích dẫn Ủy viên Ngân sách Liên minh Châu Âu Johannes Hahn, các lệnh trừng phạt là phản ứng đối với việc vi phạm nguyên tắc pháp luật ảnh hưởng đến việc sử dụng và quản lý các quỹ của EU. Trong trường hợp này, EU không thể “xác định rằng ngân sách được bảo vệ và sử dụng hợp lý”.
Do đó trong một động thái được coi như chưa từng có tiền lệ của EU, ông Hahn cho biết Ủy ban châu Âu ngày 18/9 đã khuyến nghị đình chỉ khoảng 1/3 quỹ liên kết cho Hungary từ ngân sách chung của khối trong giai đoạn 2021 – 2027. Khoản hỗ trợ 7,5 tỷ USD bị đình chỉ này tương đương 5% GDP ước tính năm 2022 của Hungary. Các nước EU hiện có tới 3 tháng để quyết định về đề xuất này.
Phản ứng lại, chính phủ Hungary đã đưa ra các cam kết mới nhất trong việc giải quyết các chỉ trích của EU. Tuy nhiên ông Han nhận định việc này vẫn phải được chuyển thành luật mới và các hành động thực tế trước khi khối này có thể cảm thấy yên tâm.
Theo Bộ trưởng Phát triển Tibor Navracsics của Hungary, người phụ trách đàm phán với EU, quốc gia này sẽ đáp ứng tất cả 17 cam kết đã đưa ra với Ủy ban châu Âu để ngăn chặn việc mất bất kỳ khoản tài trợ nào. Trong một cuộc họp báo, ông cho biết Hungary đã đưa ra những cam kết mà nước này có thể thực hiện được nên sẽ không phải đối mặt với việc bị cắt hỗ trợ.
Ngoài ra đứng trước các áp lực từ bên ngoài, chính quyền Thủ tướng Viktor Orban cũng đã thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới trong khi đang nỗ lực đảm bảo tiền cho nền kinh tế. Việc thành lập của cơ quan này sẽ có mục đích giám sát hoạt động mua sắm công của các quỹ EU và được dự kiến chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng 11.
Hungary cũng đã cam kết thực hiện một số biện pháp bảo vệ chống tham nhũng khác, bao gồm các quy định chặt chẽ hơn về xung đột lợi ích, mở rộng phạm vi báo cáo tài chính và mở rộng quyền lực của các thẩm phán trong việc truy quét các nghi can tham nhũng.
Trước đó, Ủy ban châu Âu đã phong tỏa khoảng 6 tỷ USD quỹ dự trù cho Hungary trong một biện pháp kích thích phục hồi kinh tế COVID riêng biệt vì những lo ngại tương tự về tham nhũng.
Theo cơ quan chống gian lận OLAF của khối này, Hungary có sự bất thường trong gần 4% chi tiêu ngân quỹ của EU trong giai đoạn 2015-2019, đây là kết quả tồi tệ nhất trong số 27 nước EU. Thêm vào đó, việc quốc gia này tiếp tục duy trì quan hệ với Nga cũng khiến khối này bị chia rẽ và gây ảnh hưởng tới sự thống nhất của EU trong việc áp đặt và duy trì các lệnh trừng phạt đối với Nga.