Singapore sẽ yêu cầu toàn bộ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại nước này tuân thủ theo các tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính mới vào năm 2023. Ảnh: Wikipedia |
Theo Straits Times phỏng vấn Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp của Singapore Low Yen Ling ngày 26/10, cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore (EMA) sẽ tham vấn với các công ty trong ngành trong những tháng tới và sẽ công bố chi tiết về các tiêu chuẩn sau đó.
Bình luận về các thông tin bổ sung, bà Low cho biết chính quyền Singapore có thể sẽ yêu cầu các nhà máy điện nâng cao hiệu quả "bằng cách yêu cầu tất cả các tổ máy thế hệ mới sử dụng công nghệ tốt nhất hiện có".
Tuyên bố trên của bà diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore. Cụ thể, bà tiết lộ các quy tắc mới này sẽ là một phần của nỗ lực thực hiện các điều luật mà quốc gia này đã thông qua hồi năm ngoái về việc cho phép EMA thiết lập các tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, việc thành lập các tiêu chuẩn mới này cũng diễn ra sau khi Singapore công bố kế hoạch giảm mục tiêu phát thải cho năm 2030 xuống còn 60 triệu tấn carbon dioxide (CO2). Các chính sách của chính phủ nước này cho thấy Singapore đang quyết tâm theo đuổi các mục tiêu môi trường đã cam kết của mình.
Song song với việc đặt ra các tiêu chuẩn, bà Low bổ sung thêm Singapore và Nhật Bản cũng đã đã ký một bản ghi nhớ hợp tác (MOC) để thúc đẩy quá trình chuyển đổi và an ninh năng lượng.
Mục đích của biên bản ghi nhớ này là nhằm tăng cường hợp tác song phương giữa hai quốc gia. Cụ thể, các lĩnh vực hợp tác sẽ bao gồm "thúc đẩy đầu tư trong chuỗi giá trị khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), thăm dò các cơ hội hỗ trợ nhập khẩu LNG và thu hút các kết nối LNG để thiết lập chuỗi cung ứng nhiên liệu phát thải thấp trong khu vực".
Việc hợp tác này dựa trên cơ sở của biên bản ghi nhớ trước đây vốn nhằm điều phối việc sử dụng và hỗ trợ các chuỗi cung ứng khí đốt tự nhiên với các công nghệ phát thải thấp như hydro và amoniac. Đồng thời, việc thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon cũng nằm trong phạm vi của kế hoạch này giữa hai quốc gia Nhật Bản và Singapore.
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang dần thành hình trên thế giới, Nhật Bản cũng đã thực hiện nhiều dự án hợp tác LNG với các đối tác châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á để đảm bảo nguồn cung trước tình hình cạnh tranh quốc tế hiện nay.
Vào tháng 9 trước đó, Nhật Bản đã ký kết một bản ghi nhớ hợp tác với công ty năng lượng nhà nước Petronas của Malaysia. Việc hợp tác này sẽ bao gồm việc xem xét đầu tư chung vào thượng nguồn, hợp tác cắt giảm phát thải khí methane, hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp nhiên liệu và sử dụng các bể chứa LNG trong trường hợp nguồn cung cấp khẩn cấp bị hạn chế.