Chính phủ Hàn Quốc chính thức áp dụng cách tính tuổi chuẩn quốc tế thay vì các cách tính truyền thống từ 28/6. Ảnh: Xinhua |
Theo hãng tin CNN, bắt đầu từ 28/6, luật cho phép “tất cả các khu vực tư pháp và hành chính” tại Hàn Quốc áp dụng hệ thống “tuổi quốc tế” được hầu hết các quốc gia trên toàn cầu sử dụng sẽ chính thức có hiệu lực. Được Quốc hội Hàn Quốc thông qua hồi tháng 12/2022, luật này sẽ giúp chấm dứt nhiều năm tranh luận về các rắc rối gây ra bởi cách tính tuổi khác được sử dụng rộng rãi như “tuổi Hàn Quốc” và “tuổi dương lịch”.
Trên thực tế, tại Hàn Quốc lưu hành 3 cách tính tuổi của một người, trong đó “tuổi quốc tế” đề cập tới số năm kể từ khi một người được sinh ra. Cách tính tuổi này bắt đầu từ số 0, giống như hệ thống đang được sử dụng ở hầu hết các quốc gia khác. Tuổi của một người sẽ được tăng thêm 1 vào ngày sinh nhật hàng năm.
Tuy nhiên trong các môi trường thân mật hơn, người Hàn Quốc thường sẽ trả lời “tuổi Hàn Quốc” của mình nếu được hỏi. Theo cách tính này, một người có thể lớn hơn từ một hoặc thậm chí 2 tuổi so với tuổi quốc tế. Về cơ bản, trẻ em sơ sinh được coi như tròn 1 tuổi vào ngày được sinh ra và cứ mỗi 1/1 hàng năm, một tuổi nữa được cộng thêm vào số tuổi của một người.
Trong một số trường hợp khác, người Hàn còn sử dụng cách tính “tuổi dương lịch” – một sự kết hợp giữa tuổi quốc tế và tuổi Hàn Quốc. Cụ thể, cách tính này coi trẻ sơ sinh là 0 tuổi vào ngày chúng được sinh ra và thêm một tuổi vào mỗi 1/1 đầu năm mới. Phương pháp này được sử dụng để tính tuổi nhập ngũ, nhập học cũng như tuổi hợp pháp để uống rượu và hút thuốc.
Lấy một ví dụ cụ thể, nếu một người sinh ngày 31/12/1977, tuổi quốc tế của người này sẽ là 45 tuổi, tuổi dương lịch là 46 tuổi và tuổi Hàn Quốc là 47 tuổi. Người dân Hàn Quốc thường xuyên chuyển đổi giữa các hệ thống tính tuổi này trong đời sống hàng ngày.
Trong một cuộc họp báo ngày 26/6 trước đó, Bộ trưởng Bộ Pháp chế của Chính phủ Lee Wan-kyu nhận định việc tiêu chuẩn hóa cách tính tuổi cho người dân Hàn Quốc sẽ giúp “giảm bớt những rắc rối và tranh chấp xã hội khác nhau”. Ngoài ra, nó cũng được kỳ vọng sẽ giúp “giảm đáng kể chi phí xã hội không cần thiết do sử dụng không đồng nhất các tiêu chuẩn về độ tuổi”. Ông Lee cũng cho biết đây là cam kết chính của Tổng thống Yoon Suk-yeol, người nhậm chức hồi tháng 5/2022.
Người dân Hàn Quốc có thể vẫn sẽ sử dụng cách tính tuổi cũ trong đời sống hàng ngày. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, ông Lee Wan-kyu cũng dự đoán luật mới sẽ gây ra các “tranh chấp pháp lý, khiếu nại và sự nhầm lẫn xã hội” do cách tính tuổi thay đổi. Bất chấp việc này, triển vọng cho việc thực thi luật là tương đối tích cực. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Hàn Quốc được thực hiện hồi tháng 9/2022, 86% người dân được hỏi cho biết sẽ sử dụng tuổi quốc tế trong cuộc sống hàng ngày khi luật mới có hiệu lực. Điều này thể hiện luật mới nhận được sự đồng thuận cao và đánh dấu một chiến thắng cho các nhà lập pháp - những người đã dành nhiều năm vận động để chuẩn hóa tuổi quốc tế.
Mặt khác, dù đã áp dụng cách tính tuổi quốc tế, chính phủ cho biết các hệ thống cũ có khả năng cao vẫn tiếp tục được sử dụng trong một số trường hợp. Nhiều người dân có thể vẫn sẽ sử dụng hệ thống tuổi truyền thống của Hàn Quốc trong các tình huống xã hội và cuộc sống hàng ngày.
Chính phủ cũng sẽ duy trì ngoại lệ trong một số trường hợp để việc quản lý được dễ dàng hơn. Ví dụ, trẻ em sẽ tiếp tục nhập học tiểu học vào tháng 3 của năm sau khi chúng tròn 6 tuổi theo tuổi quốc tế, bất kể sinh nhật rơi vào ngày nào.
Tuổi hợp pháp để sử dụng các sản phẩm như rượu và thuốc lá cũng vẫn dựa trên năm sinh của một người, bất kể tháng sinh, tương đương với việc người sinh tháng 1 và người sinh tháng 12 của cùng một năm được coi như bằng tuổi nhau. Theo luật này, mọi người được phép mua rượu bắt đầu từ năm họ tròn 19 tuổi tính theo tuổi quốc tế.
Cách tính tuổi cho việc tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Hàn Quốc cũng vẫn dựa trên năm sinh thay vì ngày sinh cụ thể.