Ảnh minh họa |
Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng (từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023), kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Mỹ đạt 378,9 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 27,8% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Mỹ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11/2017.
Sản phẩm này của Việt Nam bắt đầu bị Mỹ cảnh báo từ tháng 7/2019. Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) thông báo chính thức điều tra trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế đối với một số công ty Mỹ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam. Tháng 6/2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.
Sau nhiều lần gia hạn, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc vào tháng 7/2023. Theo kết luận này, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác thì không bị coi là lẩn tránh.
DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam đủ điều kiện tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý không sử dụng ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất gỗ dán và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Mỹ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh, theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại.
Sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. |
Mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm
Kim ngạch xuất khẩu tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam sang Mỹ đã tăng từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng (từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 2,7 tỷ USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 33,8% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Mỹ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 2/2020 với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% đến 293,45%.
Sản phẩm này của Việt Nam bắt đầu bị Mỹ cảnh báo từ tháng 7/2019. Căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm Mỹ, cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2022, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Mỹ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp phòng vệ thương mại và có lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc hay không.
Theo kế hoạch, trong tháng 10/2023 DOC sẽ công bố kết luận sơ bộ và tháng 1/2024 sẽ công bố kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra lẩn tránh.
Ghế sofa có khung gỗ
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ đã tăng từ 819 triệu USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2019 và 2,1 tỷ USD năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng (từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 2,2 tỷ USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 34,2% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Mặt hàng này nằm trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế 25%.
Sản phẩm này của Việt Nam bắt đầu bị cảnh báo từ tháng 11/2020. Theo Cục Phòng vệ thương mại, với tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Mỹ, tồn tại khả năng bị khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ghế sofa nhập khẩu từ Việt Nam.
Thép carbon chống ăn mòn (CORE)
Cục Phòng vệ thương mại dẫn số liệu thống kê của Mỹ, trong năm 2021, lượng nhập khẩu thép CORE từ Việt Nam đạt khoảng 335.000 tấn, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng (từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023), kim ngạch xuất khẩu thép CORE của Việt Nam sang Mỹ đạt 246,9 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 8,4% tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Mỹ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép CORE nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Sản phẩm thép CORE đã bị Mỹ tiến hành điều tra chống lẩn tránh. Trong các vụ việc điều tra lẩn tránh mà DOC tiến hành, cơ quan này đều xác định việc xuất khẩu sản phẩm thép CORE sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu là thép cán nguội (CRS) hoặc thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ các nguồn trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh.
Thép carbon chống ăn mòn (CORE) là một trong những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ điều tra thương mại. |
Cáp thép dự ứng lực
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Mỹ đang tăng nhanh. Trong giai đoạn 12 tháng (từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 28,4 triệu USD, tăng 71,5% so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 9,7% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cáp thép dự ứng lực nhập khẩu từ 22 thị trường như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Sản phẩm này của Việt Nam mới được đưa vào danh sách cảnh báo. Theo Cục Phòng vệ thương mại, đây là mặt hàng của Việt Nam có rủi ro cao bị Mỹ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý tránh sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất cáp thép dự ứng lực xuất khẩu sang Mỹ vì sẽ dễ trở thành đối tượng của việc điều tra chống lẩn tránh do DOC tiến hành.
Pin năng lượng mặt trời
Kim ngạch xuất khẩu pin năng lượng mặt trời của Việt Nam sang Mỹ có dấu hiệu tăng nhanh từ tháng 6/2019. Trong giai đoạn 12 tháng (từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023), kim ngạch xuất khẩu mặt hàng của Việt Nam sang Mỹ đạt 4,1 tỷ USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 28,5% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Sản phẩm bắt đầu bị cảnh báo từ tháng 9/2021. Mỹ cũng đang duy trì biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với cùng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2012. Kể từ tháng 2/2018, mặt hàng này đã bị Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ chung đối với hàng hóa có xuất xứ từ tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Thời gian áp dụng biện pháp là 4 năm. Tháng 2/2022, Mỹ đã ra quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ nêu trên thêm 4 năm.
Tháng 3/2022, DOC đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam, cáo buộc mặt hàng này của Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tháng 8/2023, DOC đã công bố kết luận cuối cùng của vụ việc, trong đó xác định tế bào quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer sản xuất tại Trung Quốc hoặc modun quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer sản xuất tại Trung Quốc... là đối tượng của biện pháp chống lẩn tránh.
DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu pin năng lượng mặt trời đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không thuộc các trường hợp trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý thực hiện việc tự xác nhận một cách trung thực và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Mỹ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.
Ngoài các mặt hàng trên, các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp còn bao gồm đá nhân tạo bằng thạch anh, xe đạp điện, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục, thép carbon chống ăn mòn, ống thép hộp và ống thép tròn, dây và cáp nhôm, nhôm thanh định hình, mặt bích bằng thép không gỉ…