Bộ trưởng Bình đẳng của Tây Ban Nha, Irene Montero (giữa) ăn mừng cùng các nhà hoạt động LGBTQ+ sau khi luật chuyển giới mới được thông qua. Ảnh: Reuters |
Bất chấp sự phản đối từ các nhóm nữ quyền và từ các phe đối lập trong chính phủ, luật chuyển giới mới của Tây Ban Nha đã được thông qua với 191 phiếu thuận, 60 phiếu chống và 91 phiếu trắng. Cụ thể, luật này cho phép bất kỳ công dân nào trên 16 tuổi thay đổi giới tính được đăng ký trên các tài liệu chính thức mà không cần tới sự giám sát y tế.
Thậm chí, những trẻ vị thành viên từ 14 tới 16 tuổi cũng được cho phép thay đổi giới tính đã đăng ký trên giấy tờ của mình với sự đồng thuận của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Đối với những trẻ trong độ tuổi từ 12 tới 14, việc thay đổi giới tính sẽ cần nhận được sự cho phép từ thẩm phán. Tuy nhiên, AFP cho biết những trẻ em dưới 12 tuổi thì không nằm trong phạm vi của điều luật này.
Ngoài ra, luật chuyển giới mới cũng đưa ra một số thay đổi với quyền của người chuyển giới. Trong số đó bao gồm việc cấm tiến hành liệu pháp chuyển đổi – liệu pháp nhằm mục đích thay đổi xu hướng tính dục của một người – và chấm dứt trợ cấp cho các nhóm được coi như kích động các hành vi phân biệt với những người thuộc cộng đồng LGBTI.
Phát biểu trước quốc hội Tây Ban Nha ngày 16/2, Bộ trưởng Bình đẳng Irene Montero bày tỏ sự biết ơn của mình trước sự ủng hộ của cộng đồng LGBTQ+ đã góp phần thúc đẩy sự thông qua của điều luật này.
Ngoài ra, bà cũng ca ngợi luật mới này góp phần “cứu sống nhiều người” khi nó hợp pháp hóa việc chuyển giới và công nhận quyền tự do quyết định giới tính của con người. Nhờ luật mới này, việc chuyển giới sẽ không còn bị coi là bất thường, người chuyển giới cũng không còn bị coi là bệnh nhân và cộng đồng này cũng được hưởng các quyền cơ bản như bao người khác.
Cùng chia sẻ thái độ này là người đứng đầu FELGBTI+, tổ chức LGBTQ+ lớn nhất Tây Ban Nha Uge Sangil. Người này chia sẻ sự vui mừng của mình khi cho biết luật này đã được thông qua sau 8 năm nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng chuyển giới và từ nay mọi người có thể bắt đầu “một cuộc sống mới” cho bản thân mình.
Tuy nhiên, luật chuyển giới cũng vấp phải sự phản đối của Đảng Nhân dân đối lập khi đảng này cảnh báo chính phủ đang đi quá xa và quá nhanh. Theo AFP trích dẫn người phát ngôn của đảng María Jesús Moro, đã có những quốc gia phải tạm dừng việc thông qua luật chuyển giới của mình vì họ nhận ra động thái này có nguy cơ gây ra nhiều đau khổ. Bà cho biết điều các nhà lập pháp không muốn chứng kiến nhất chính là những nạn nhân mới xuất hiện chỉ vài ngày sau khi điều luật này có hiệu lực.
Trên thực tế, thái độ của bà phản ánh tình trạng của một số quốc gia châu Âu đi tiên phong trong luật chuyển giới trong những năm gần đây. Thụy Điển và Phần Lan là 2 quốc gia đã áp dụng các hạn chế chuyển giới trở lại. Cụ thể, Thụy Điển đã quyết định ngừng tiến hành liệu pháp hormone – phương pháp giúp chuyển đối giới – cho trẻ vị thành niên, trừ những trường hợp rất hiếm trong khi Phần Lan cũng thực hiện động thái tương tự vào năm 2020.
Chính phủ Anh hồi tháng 1/2023 cũng đã chặn luật chuyển giới tương tự như Tây Ban Nha tại Scotland.