Trên thực tế, WHO hôm 17/8 đưa ra cảnh báo sự lây lan của loại virus bắt nguồn từ động vật này đang tiếp tục diễn ra mạnh với số ca bệnh tăng 20% chỉ trong tuần qua. Hơn 35.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ cho đến nay đã được xác nhận ở 92 quốc gia không có dịch bệnh kể từ khi trường hợp đầu tiên được báo cáo ở Anh vào ngày 6/5. Từ con số thương vong nhỏ ban đầu, nay nó cũng được nâng lên 12 người.
Trên thế giới hiện tại, Mỹ đang đứng đầu về số ca nhiễm đậu mùa khỉ. Ảnh: Shutterstock |
Trong khi bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, phần lớn các trường hợp cho đến nay đã được xác nhận ở những người đồng tính nam và song tính có quan hệ tình dục với những người đàn ông khác. Chính vì nguyên nhân này, nhiều nền kinh tế tiên tiến đã thúc đẩy xu hướng tiêm chủng nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất bằng tiêm chủng trước hoặc sau phơi nhiễm.
Tuy nhiên, nguồn cung vaccine thiếu hụt và việc triển khai chậm trễ đang làm tăng nguy cơ bùng phát rộng hơn theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm. Giáo sư Eyal Leshem thuộc Trung tâm Y tế Sheba của Israel, nói với CNBC hôm 18/8: “Từ những đợt bùng phát trước đây, chúng tôi biết rằng nếu một đợt bùng phát không được ngăn chặn thì bạn rất ít cơ hội. Tại thời điểm này, chúng tôi thấy cánh cửa cơ hội này đang dần đóng lại”.
Theo ông, chính điều này có thể khiến virus lây truyền dễ dàng hơn sang các nhóm khác hoặc bắt đầu hoạt động theo những phương pháp khác nhau. Những người tiếp xúc gần gũi và các thành viên trong gia đình, bao gồm cả trẻ em và vật nuôi, là những nhóm có khả năng dễ bị tổn thương nhất nếu dịch bệnh mở rộng lây lan.
Theo CNBC trích dẫn thông báo chính thức của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), quốc gia này dự kiến sẽ hết lô 50.000 vaccine ban đầu trong vòng hai tuần tới và có thể sẽ không nhận được liều tiếp theo cho đến tháng 9.
Mặt khác, Bavarian Nordic - nhà cung cấp vaccine duy nhất được phê duyệt cho bệnh đậu mùa khỉ - hôm 18/8 thông báo rằng họ đã ký thỏa thuận với nhà sản xuất theo hợp đồng Grand River Aseptic Manufacturing để giúp hoàn thành đơn đặt hàng vaccine Jynneos từ Mỹ trong khi giải phóng áp lực cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, quá trình này dự kiến sẽ mất khoảng 3 tháng để bắt đầu và vận hành.
Theo Bloomberg trích dẫn từ báo cáo hôm 17/8 của công ty dược phẩm Đan Mạch, đại diện tập đoàn cho biết không chắc chắn bản thân có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân và các quốc gia.
Việc thiếu vaccine đậu mùa khỉ đã dẫn tới một số cuộc biểu tình tại một số thành phố tại Mỹ. Ảnh: Getty Images |
Trong bối cảnh đó, các quốc gia có tỷ lệ mắc đậu mùa khỉ cao đang buộc phải xem xét các phương pháp tiêm chủng mới trong bối cảnh nguồn cung ngày càng cạn kiệt. Trước đó, các chuyên gia y tế cũng từng đưa ra cảnh báo rằng nếu không kiểm soát được ổ dịch, virus đậu mùa khỉ hoàn toàn có thể lây lan sang các quần thể hoặc loài khác và sẽ trở nên khó loại trừ hơn rất nhiều.
Hãng tin BBC trích dẫn một bức thư từ UKHSA cho biết sẽ giữ lại một số vaccine còn lại hoàn toàn cho bệnh nhân sau phơi nhiễm. Điều này cũng có nghĩa là những người khác đang tìm kiếm dịch vụ chăm sóc phòng ngừa sẽ phải chờ đợi.
Ở một diễn biến khác, Tây Ban Nha - nơi có nhiều trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ được ghi nhận nhất sau Mỹ - tuần trước đã yêu cầu Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cho phép cung cấp cho mọi người liều lượng vaccine nhỏ hơn nhằm phổ biến nguồn cung hạn chế của mình tới nhiều người hơn.
Tuy nhiên, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về bệnh đậu mùa khỉ, Tiến sĩ Rosamund Lewis, hôm 17/8 lại cho rằng vaccine không nên được coi là hình thức bảo vệ duy nhất chống lại virus. Theo bà, vaccine không phải thứ có thể giải quyết mọi chuyện mà các nhà khoa học vẫn cần thêm dữ liệu về hiệu quả của chúng. Dữ liệu hiện tại đến từ một nghiên cứu nhỏ từ rất lâu về trước (vào những năm 1980), cho thấy vaccine đậu mùa có hiệu quả 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Tiến sĩ Jake Dunning, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Dịch bệnh của Đại học Oxford cũng đồng ý với ý kiến của bà Rosamund Lewis. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc ngừng tiêm vaccine trong thời gian ngắn có thể sẽ không làm mất tác dụng của những nỗ lực chống virus rộng hơn.
Giải thích cho nhận định này, ông cho rằng nếu phần lớn những người có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất đã được tiêm vaccine thì việc giảm tỷ lệ tiêm trong thời gian tạm thời cũng sẽ không gây bất lợi đáng kể nào tới việc đạt được mục tiêu chung.