Lợi nhuận Vinamilk bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu đầu vào. |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM), doanh nghiệp đạt tổng doanh thu hợp nhất 13.918 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lại tăng nhanh hơn (3,2%) lên mức 8.520 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận gộp của Vinamilk giảm 4%, về mức 5.398 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ở mức 38,7%, thấp hơn mức trung bình của VNM những năm gần đây.
Điểm sáng là doanh thu hoạt động tài chính tăng 31% lên mức 420 tỷ đồng, lỗ từ công ty liên doanh liên kết giảm xuống 14 tỷ đồng (so với cùng kỳ 35 tỷ đồng). Nhưng do chi phí tài chính và chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng đáng kể nên kết quả, doanh nghiệp sữa đầu ngành mang về 2.312 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; 1.906 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 17% so với kết quả thực hiện quý 1/2022.
Năm 2023, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận trước thuế tương đương năm vừa qua, ở mức 10.496 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 8.622 tỷ đồng, tăng 0,5%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 8.514 tỷ, tương đương kết quả năm 2022.
Như vậy sau quý đầu năm, công ty đã thực hiện được 22% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 25/4 vừa qua, Tổng giám đốc VNM Mai Kiều Liên cho biết, lợi nhuận quý đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ do giá vốn ở mức cao. Trong khi đó, quý 1/2022, VNM được hưởng lợi nhờ giá nguyên vật liệu thấp từ năm 2021.
Theo bà Liên, giá nguyên vật liệu có xu hướng giảm từ đầu năm 2023 nhưng tới tháng 4, trên sàn đấu giá quốc tế, giá sữa bột tăng rất mạnh trở lại. Còn giá sữa tươi nguyên liệu, năm nay Vinamilk cũng đã tăng lên 7% do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng rất cao.
“Giá nguyên vật liệu phụ thuộc tình hình của thế giới nên vấn đề là Vinamilk làm sao nắm bắt để chốt được vào thời điểm tốt nhất. Công ty sẽ cố gắng giảm chi phí, tăng doanh thu thì biên lợi nhuận sẽ tốt hơn. Để đạt được biên lợi nhuận như trước Covid-19 thì phải một năm nữa”, Tổng giám đốc VNM chia sẻ.
Năm 2022, lợi nhuận Vinamilk giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2016. Còn kể từ năm 2017 đến nay thì đây là lần đầu tiên chỉ tiêu này xuống dưới mốc 10.000 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp ở mức 39,8%.
Thời điểm trước dịch Covid-19, biên lợi nhuận gộp của VNM duy trì ở mức 47%. Năm 2020 giảm xuống 46% và năm 2021 xuống còn 43%.
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản của Vinamilk tại thời điểm cuối quý 1/2023 đạt 49.264 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty có gần 19.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn. Các khoản chiếm tỷ trọng lớn khác là phải thu ngắn hạn (hơn 6.600 tỷ đồng), hàng tồn kho (hơn 6.700 tỷ đồng).
Tổng nợ phải trả của VNM là 14.754 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản phải trả ngắn hạn khác giảm mạnh từ hơn 3.000 tỷ đồng xuống 125 tỷ đồng, do công ty đã chi trả hơn 2.800 tỷ đồng cổ tức trong quý 1. Ngược lại, vay ngắn hạn tăng 2.000 tỷ đồng lên mức 6.889 tỷ đồng. Vay dài hạn giảm nhẹ xuống mức 61 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty phải trả 82 tỷ đồng tiền lãi vay, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.