Thông tin từ bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản do Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp thực hiện, trong tháng 1, đơn giá chè xuất khẩu trung bình đạt 1.687,2 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 1/2022.
Hoạt động xuất khẩu chè bị gián đoạn bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài trong tháng 1/2023 là yếu tố chính khiến lượng và trị giá xuất khẩu chè giảm mạnh. Sau kỳ nghỉ Tết, hoạt động xuất khẩu diễn ra bình thường, tình hình xuất khẩu chè sẽ khả quan hơn.
Do hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn nên lượng và trị giá xuất khẩu chè tới các thị trường chính đều giảm trong tháng 1/2023. Trong đó, xuất khẩu chè sang Indonesia giảm mạnh nhất về trị giá với -66%; liền kề là Malaysia với -44%.
Tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Pakistan, lượng và trị giá chè xuất khẩu tới thị trường này đều giảm lần lượt 8,9% và 10,7% so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng đạt 3.437 tấn và 6 triệu USD. Đơn giá chè xuất khẩu trung bình tới thị trường Pakistan đạt 1.759,1 USD/tấn, giảm 2% so với tháng 1/2022. Dự trữ ngoại hối của Pakistan đang trong tình trạng cạn kiệt nghiêm trọng, do đó nhu cầu nhập khẩu chè dự kiến sẽ chậm lại.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu chè tới thị trường Ấn Độ, Arab Saudi, Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 1/2023 với lần lượt 60%, 10% và 247%. Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc mặc dù đều là những thị trường sản xuất và xuất khẩu chè lớn trên thế giới nhưng do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng rất lớn, do đó những nước này vẫn có nhu cầu nhập khẩu cao. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu chè sang các thị trường tiềm năng cũng góp phần thúc đẩy ngành chè phát triển ổn định trong thời gian tới.