Masan ‘chen chân’ vào đường đua bán thuốc, cục diện bán lẻ dược phẩm sẽ ra sao

Dr. Win MASAN
10:18 - 24/07/2022
Masan đang theo đuổi chiến lược Point of Life với việc tích hợp nhiều tiện ích vào chuỗi bán lẻ.
Masan đang theo đuổi chiến lược Point of Life với việc tích hợp nhiều tiện ích vào chuỗi bán lẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Trên đường đua tranh giành thị phần dược phẩm, Long Châu của FPT Retail, An Khang của Thế giới Di động và Pharmacity đang là 3 “vận động viên” có thể lực mạnh nhất. Nhưng đội hình này có thể sẽ sớm thay đổi khi ông lớn bán lẻ Masan gia nhập.

Theo đuổi chiến lược Point of Life (PoL) với mô hình phục vụ đa dạng sản phẩm và dịch vụ thiết yếu (gồm nhu yếu phẩm, dược phẩm, tài chính, giải trí, viễn thông...) trên một hệ sinh thái, tích hợp từ offline đến online; Masan đã quan tâm đến mảng dược phẩm từ tháng 10/2021. Đó là khi hợp tác với chuỗi nhà thuốc ra đời từ năm 2007 - Phano Pharmacy. Khi đó một số cửa hàng mới theo mô hình PoL của Masan có tích hợp thêm chuỗi nhà thuốc Phano.

Trong khi việc hợp tác giữa Masan và Phano cụ thể như thế nào vẫn chưa được tiết lộ thì mới đây, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã có thêm động thái “làm nóng” trước khi chính thức bước vào cuộc đua bán thuốc. Đó là sự xuất hiện của thương hiệu Dr. Win.

Cụ thể, trên một số trang web tuyển dụng đã xuất hiện thông tin CTCP Dr. Win tuyển dụng số lượng lớn dược sĩ cho chuỗi nhà thuốc được giới thiệu là lớn nhất Việt Nam, thuộc WinCommerce - đơn vị vận hành hệ thống bán lẻ thuộc Tập đoàn Masan. Trong khi đó, một số cửa hàng WinMart cũng đang trong quá trình thay đổi giao diện và nâng cấp cơ sở vật chất. Biển hiệu bên ngoài cửa hàng thể hiện sẽ tích hợp với Techcombank, Reddi và có cả Dr. Win.

Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tiền thân của CTCP Dr. Win là CTCP thương mại dịch vụ Winphar, thành lập vào ngày 31/3 với số vốn điều lệ 10 triệu đồng; ngành nghề chính là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm, vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh.

Masan ‘chen chân’ vào đường đua bán thuốc, cục diện bán lẻ dược phẩm sẽ ra sao ảnh 1 Masan ‘chen chân’ vào đường đua bán thuốc, cục diện bán lẻ dược phẩm sẽ ra sao ảnh 2

Cổ đông của Winphar gồm CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce nắm 80% vốn, bà Đỗ Thị Hoàng Yến nắm 10% vốn và ông Trần Phương Bắc nắm 10% vốn. Trong đó, ông Trần Phương Bắc là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Đáng chú ý, ông Trần Phương Bắc cũng là người đại diện pháp luật của nhiều công ty liên quan tới Tập đoàn Masan như công ty TNHH MNS Meat Processing, MNS Meat, MNS Farm, CTCP Supra, CTCP The Supra... Trong khi đó, bà Đỗ Thị Hoàng Yến là người được CTCP Hàng tiêu dùng Masan ủy quyền công bố thông tin của công ty.

Đến ngày 1/7/2022, Winphar đổi tên thành Công ty cổ phần Dr. Win. Đồng thời, vốn điều lệ cũng được nâng từ 10 triệu đồng lên 28,57 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, nhiều khả năng Masan đang chuẩn bị cho sự xuất hiện của một thương hiệu nhà thuốc mới.

"Miếng bánh" hấp dẫn

Tổ chức UQVIA Institute đã xếp Việt Nam vào nhóm Pharmerging Market - nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới. Doanh thu từ dược phẩm dự kiến đạt 7,51 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 1,78% GDP và 32,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR trong giai đoạn 2020-2025 là 8%.

Tiềm năng tăng trưởng của ngành dược phẩm được đánh giá cao vì thu nhập người dân được nâng lên, dân số đang bước vào giai đoạn già hóa khiến việc nhận thức ngày càng chú trọng vào các vấn đề sức khỏe. Bên cạnh đó là sự đầu tư của các công ty dược phẩm đa quốc gia, việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mở rộng bảo hiểm y tế xã hội và nhân khẩu học trong cả nước.

Nhận thấy tiềm năng lớn đó, đặc biệt là sau 2 năm Covid-19, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã không bỏ lỡ “miếng bánh” hấp dẫn này. Trong đó, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và CTCP Đầu tư Thế giới Di động là 2 đơn vị tăng tốc nhất. Cùng với Pharmacity, Long Châu của FPT Retail và An Khang của Thế giới Di động đang là 3 chuỗi nhà thuốc lớn nhất hiện nay.

Pharmacity ra mắt thị trường vào năm 2011 và hiện là chuỗi nhà thuốc có số lượng cửa hàng lớn nhất với 1.128 (theo thông tin trên website chính thức của đơn vị). Đến hết năm 2022, đơn vị này phấn đấu đạt 1.750 nhà thuốc, mục tiêu đến năm 2025 có 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Kế hoạch đầy tham vọng này sẽ đưa thương hiệu đạt mức doanh thu hơn 3 tỷ USD và đội ngũ nhân viên hơn 35.000 người.

Bên trong cửa hàng Pharmacity.

Bên trong cửa hàng Pharmacity.

Còn Long Châu được FPT Retail mua lại từ năm 2017. Lúc này, chuỗi mới chỉ có vỏn vẹn 4 cửa hàng. Sau đó, công ty nhanh chóng xây dựng, phát triển hệ thống mạnh mẽ và đã chính thức vượt mốc 700 nhà thuốc phủ khắp toàn quốc vào tháng 7/2022. Mục tiêu của Long Châu là nâng tổng số cửa hàng lên khoảng 700 - 800 vào cuối năm 2022. Với kết quả trên thì có thể, chuỗi nhà thuốc của FPT Retail sẽ vượt kế hoạch.

An Khang xuất phát chậm nhất nhưng lại đang cho thấy tốc độ nhanh nhất. Thế giới Di động bắt đầu đầu tư vào chuỗi nhà thuốc này từ đầu năm 2018 nhưng phải đến đầu tháng 11/2021 mới chú tâm phát triển, bắt đầu bằng việc nâng sở hữu lên 100% vốn. Từ 100 cửa hàng, chỉ trong vòng vài tháng từ đầu năm đến nay, An Khang đã nhanh chóng gia nhập cuộc chiến giành thị trường khi tăng tốc và đạt cột mốc 500 cửa hàng trên toàn quốc trong tháng 7.

Tại sự kiện mừng An Khang chạm mốc 500 cửa hàng trên toàn quốc, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO An Khang cho biết: “Với kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính, con người và mối quan hệ sẵn có của Thế Giới Di Động, An Khang dù đi sau nhưng hoàn toàn có tiềm lực dẫn đầu thị trường”. Cũng theo ông Hiểu Em, mục tiêu năm nay của An Khang là “phủ xanh” các tỉnh thành với 800 cửa hàng trên toàn quốc. Với con số này, có thể An Khang vẫn chỉ nằm trong top 3 nhưng khoảng cách giữa An Khang và hai chuỗi bán lẻ dẫn đầu đã rút ngắn đáng kể, thậm chí so với hệ thống đứng thứ 2 thì gần như không còn khoảng cách.

Masan có lợi thế gì?

Như vậy có thể thấy sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ dược phẩm vốn đã đang rất khốc liệt. Nếu sắp tới, Masan chen chân vào thì đường đua này còn “nóng” hơn nữa. Bởi so với các doanh nghiệp phát triển chuỗi nhà thuốc trên, Masan không hề kém cạnh về tiềm lực nếu không muốn nói còn sở hữu nhiều yếu tố hỗ trợ thuận lợi hơn.

Trong nhiều năm qua, các công ty thành viên và liên kết của Tập đoàn Masan đều dẫn đầu các lĩnh vực thực phẩm chế biến và đồ uống, bán lẻ, thịt tươi sống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình... Không chỉ là những lĩnh vực đang có tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế, đây đều là nhóm sản phẩm thuộc nhu cầu thiết yếu, cơ bản của người tiêu dùng.

Sau thương vụ M&A đình đám với Vingroup để nắm quyền điều hành hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam gồm gần 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ cùng 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi, vị thế của Masan trong ngành bán lẻ càng vững chắc. Đáng chú ý hơn là chiến lược điều hành của Masan đã giúp chuỗi bán lẻ từng được mệnh danh là “cỗ máy đốt tiền” của Vingroup (hiện là WinMart, WinMart+) bắt đầu có lãi từ quý 3/2021.

Masan đã tích hợp nhà thuốc Phano Pharmacy vào một số cửa hàng WinMart.

Masan đã tích hợp nhà thuốc Phano Pharmacy vào một số cửa hàng WinMart.

Với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và mục tiêu hoàn thành hệ sinh thái đa tiện ích, Masan sẽ là đối thủ đáng gờm của Pharmacity, FPT Retail, Thế giới Di động khi bước vào thị trường phân phối dược phẩm. Tất nhiên thách thức cũng không phải là nhỏ khi việc tranh giành thị phần phụ thuộc lớn vào tốc độ mở chuỗi, đầu tư đội ngũ, sản phẩm, công nghệ…

Thực tế, Pharmacity mới chỉ báo có lãi từ tháng 7/2021, theo chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế) của đơn vị. Còn trước đó, chuỗi dược phẩm này liên tục chìm trong thua lỗ. Năm 2019, Pharmacity ghi nhận lỗ ròng 256 tỷ đồng. Năm 2020 âm 421 tỷ đồng, lỗ lũy kế cuối năm 2020 lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

FPT Retail ghi nhận lỗ tại khoản đầu tư vào Long Châu trong thời gian dài. Bởi chi phí mở 1 nhà thuốc dao động từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng. Dự đoán phải đến năm 2023 mới có lãi nhưng nhờ đại dịch Covid-19 kéo nhu cầu dược phẩm tăng cao đã giúp Long Châu thay đổi tình thế và bắt đầu mang lại lợi nhuận.

Thế giới Di động cũng từng dừng đầu tư vào An Khang khi kết quả kinh doanh của chuỗi này không mấy khả quan. Tính đến hết quý 3/2021, Thế giới Di động đã lỗ lũy kế 16,9 tỷ đồng tại An Khang, khoản đầu tư ban đầu trị giá 62 tỷ đồng chỉ còn lại 45,1 tỷ đồng. Sau khi sở hữu 100% vốn điều lệ An Khang từ quý 4/2021, Thế giới Di động đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng cho chuỗi nhà thuốc này và đạt điểm hòa vốn vào cuối năm nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.