Mỹ bán cho Ukraine gói nâng cấp hệ thống phòng không

XUNG ĐỘT Nga - Ukraine
17:17 - 10/04/2024
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: ABC News
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: ABC News
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này sẽ bán cho Ukraine số thiết bị trị giá 138 triệu USD liên quan tới bảo trì và nâng cấp hệ thống phòng không HAWK, nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa hành trình của Nga.

Theo hãng tin AP dẫn lời Bộ Ngoại giao Mỹ trong một bản ghi nhớ phác thảo về thương vụ mua bán, “Ukraine có nhu cầu cấp thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga”. Do đó việc duy trì Hệ thống Vũ khí HAWK “sẽ nâng cao khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ người dân và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia”.

Reuters cho biết thương vụ này sẽ yêu cầu các chuyên gia Mỹ phải tới châu Âu để hỗ trợ công tác đào tạo cho Ukraine. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các linh kiện cần thiết để sửa chữa hệ thống sẽ đến từ kho của quân đội Mỹ, sự quyên góp của các nước thứ ba và sản xuất mới.

Thương vụ này được bật đèn xanh bằng cách thông qua cơ chế PDA (Presidential Drawdown Authority) - cơ chế giúp Tổng thống Mỹ có thể chuyển giao các mặt hàng và dịch vụ quốc phòng từ kho dự trữ của Mỹ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội để ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Thông báo trên được đưa ra sau một vòng hỗ trợ quân sự trị giá 300 triệu USD mà Lầu Năm Góc đã công bố hồi tháng 3 trước đó. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều cố gắng thúc đẩy việc thông qua các gói viện trợ của Ukraine. Tuy nhiên, gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD vẫn đang bị đình trệ tại Quốc hội nước này.

Nhận định về tương lai chiến sự, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong bài phát biểu tại Capitol Hill cùng ngày 9/4 cho biết nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, Ukraine sẽ gặp thất bại. Theo ông, “vấn đề của Ukraine và kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine cũng sẽ có tác động toàn cầu đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.

Ở một diễn biến khác, giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn đang diễn ra gay gắt. Ngày 7/4, Tập đoàn năng lượng Nga Rosatom cáo buộc quân đội Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia – cơ sở mà Moscow đã nắm quyền kiểm soát kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

Cụ thể, Rosatom cho biết Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công đầu tiên vào khu vực gần căng tin của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, khiến 3 nhân viên bị thương. Trong vòng nửa giờ, một máy bay không người lái (UAV) đã tấn công khu vực bốc dỡ hàng, trong khi một UAV khác sau đó đã tấn công mái vòm của lò phản ứng thứ 6 của nhà máy.

Trong tuyên bố, tập đoàn này đã “cực lực lên án vụ tấn công chưa từng có” và kêu gọi Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi và Liên minh châu Âu (EU) phản ứng ngay lập tức trước mối đe dọa an toàn.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới lên án hành động “khủng bố hạt nhân” của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, ông Andriy Usov - người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), đã phủ nhận mọi liên quan.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.