Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters |
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn ngày 22/2 với Reuters, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết: “Ngày mai (23/2), chúng tôi sẽ ban hành hàng trăm lệnh trừng phạt ngay tại Mỹ. Điều quan trọng là không chỉ có Mỹ thực hiện những hành động này”.
Theo ông Adeyemo, các lệnh trừng phạt - được Mỹ phối hợp thực hiện với các đồng minh, sẽ nhắm mục tiêu vào tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và các công ty ở các nước thứ ba hỗ trợ Nga tiếp cận các loại hàng hóa.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo. Ảnh: Reuters |
“Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhằm mục đích làm chậm lại sự phát triển của Nga, khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc hỗ trợ cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, để thúc đẩy Ukraine tăng tốc và giúp họ có khả năng tự vệ, Quốc hội Mỹ cần phải hành động để cung cấp cho Ukraine những nguồn lực và vũ khí mà họ cần”, ông Adeyemo nhấn mạnh.
Động thái này được coi là phản ứng của Washington khi tìm cách buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng Ukraine và cái chết của nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny ở Nga. Đây cũng sẽ là gói trừng phạt mới nhất trong số hàng nghìn lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh nhắm vào các quan chức, doanh nhân, ngân hàng, công ty và toàn bộ ngành công nghiệp Nga kể từ năm 2022.
Theo AP, Bộ Tư pháp Mỹ ngày 22/2 cho biết, trong hai năm qua, họ đã nhận được lệnh của Tòa án về việc phong tỏa, tịch thu và tịch thu gần 700 triệu USD tài sản của Nga và đã buộc tội hơn 70 người vi phạm các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu. Các quan chức Mỹ tiết lộ rằng Washington đã có thể chuyển hơn 5 triệu USD tài sản bị tịch thu của Nga sang châu Âu để hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine.
“Bộ Tư pháp đẩy mạnh cam kết cắt đứt dòng tiền đang thúc đẩy cuộc chiến của Nga và quy trách nhiệm cho những ai tiếp tục kích hoạt nó”, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick B. Garland cho biết trong một tuyên bố.
Nga chưa đưa ra bình luận về gói trừng phạt mà Mỹ sắp công bố.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2/2022, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước phương Tây đã tung ra hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm gây thiệt hại cho kinh tế Nga nhằm cắt đứt nguồn tài chính phục vụ chiến dịch quân sự của nước này.
Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc áp trần đối với giá dầu và dầu diesel của Nga, đóng băng các quỹ của Ngân hàng Trung ương Nga và hạn chế quyền truy cập vào SWIFT - hệ thống chi phối các giao dịch tài chính toàn cầu, phong tỏa tài sản của nhiều công ty và công dân Nga.
Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận cho tới hiện tại không giúp ích nhiều trong việc buộc Điện Kremlin rút khỏi cuộc xung đột. Trên thực tế, hàng loạt các gói cấm vận liên tục dồn lên Moscow vẫn chưa thành công khiến nền kinh tế Nga tan vỡ như những gì mà phương Tây dự đoán từ đầu chiến sự.
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 12/2023 cho biết nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, suy giảm 2,1% vào năm 2022. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo vào tháng 1/2024 rằng nền kinh tế Nga vẫn đạt kết quả tăng trưởng trên mức mong đợi. Cơ quan này cho biết, tăng trưởng GDP của Nga có thể sẽ đạt 2,6% trong năm 2024, tăng 1,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10/2023. Nga đã giữ mức tăng trưởng vững chắc 3,0% vào năm 2023.