Ảnh: Reuters |
Ông Maung Maung Ohn, Bộ trưởng Bộ thông tin Myanmar, chia sẻ nước này đang có kế hoạch mở cửa biên giới tiếp giáp với Thái Lan và Trung Quốc vào tháng 1 năm sau, cụ thể là tại Muse tiếp giáp với thành phố Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cũng như ba thị trấn biên giới tiếp giáp với Thái Lan là Tachileik, Kawthaung và Htee Kee.
Các chuyến bay thương mại quốc tế cũng sẽ được phép hoạt động trở lại, dự kiến vào cuối quý I của năm 2022.
Các nhà theo dõi kinh tế quốc tế đã cảnh bảo tỉ lệ lạm phát cao, tình trạng thiếu tiền mặt và giá lương thực tăng đã khiến nền kinh tế Myanmar rơi vào tình trạng khủng hoảng sau khi quân đội lên nắm quyền thay cho Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Ngân hàng Phát triển Châu Á đưa ra dự báo rằng Myanmar, một trong những nước nghèo nhất Châu Á, có khả năng sẽ phải chứng kiến mức suy giảm kinh tế tới -18,4% trong năm nay - một trong những mức suy giảm kỉ lục được ghi nhận.
Tuy nhiên, ông Maung Maung Ohn lại có cái nhìn khác về bối cảnh kinh tế đất nước. Quan chức quân đội này cho biết trên thực tế việc kinh doanh đã có những dấu hiệu tích cực trở lại do ở các thành phố lớn, các hoạt động tôn giáo đã diễn ra thành công với số người tham dự ngày một đông.
Trong cuộc phỏng vấn qua Zoom, ông chia sẻ thêm rằng trong những tháng gần đây, chính phủ Myanmar đã nhận được sự quan tâm lớn từ quốc tế cùng với nhiều đề nghị đầu tư và cơ hội kinh doanh từ các nhà đầu tư tư nhân đến từ Ấn Độ, Trung Quốc và Nga. Việc kết nối lại hoạt động du lịch bằng đường hàng không sẽ là chất xúc tác quan trọng cho du lịch, các hoạt động thu hồi vốn đầu tư nước ngoài và các kinh doanh quốc tế.
Ông Maung cũng chỉ ra sự phục hồi của đồng Kyat trong những tuần gần đây, từ mức thấp 2.500 kyat/1 USD vào tháng 10 lên tới khoảng 1.800 kyat/1USD cũng là một dấu hiệu cho thấy thái độ lạc quan của các nhà đầu tư với phục hồi kinh tế của Myanmar.
Cửa khẩu Singkhon giữa Thái Lan và Myanmar.Ảnh: Bangkok Post |
Để chuẩn bị mở cửa của du lịch quốc tế trở lại, giới chức Myanmar đang tích cực thảo luận về nhiều biện pháp như tiêu chuẩn hóa các bài kiểm tra Covid, thống nhất quy trình cách ly và cấp giấy chứng nhận tình trạng tiêm vaccine.
Trước đại dịch, số khách du lịch đến Myanmar chủ yếu là từ Trung Quốc và Thái Lan. Theo số liệu của Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar, số lượng du khách Trung Quốc chiếm đến 39% và Thái Lan chiếm 14% tổng lượng khách du lịch quốc tế. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Myanmar (chiếm 23,8% đầu tư nước ngoài) và Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ ba (chiếm 12,7%) tính đến ngày 31/10 vừa qua.