Thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững
Trong đó, đăng ký cấp mới 365 dự án với số vốn đạt 233 triệu USD; 202 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 834 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 388 lượt với số vốn đạt 625 triệu USD, tăng 83,8%.
Năm 2022, TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới cho 29,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 23% so với năm 2021. Tổng số vốn đăng ký mới đạt 328,4 nghìn tỷ đồng, giảm 5%. Có 3,6 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 16%; 16,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 38% và 9,8 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 1,5%.
Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kết quả này có thể kể đến đóng góp của các hoạt động xúc tiến thương mại. Mục tiêu của Hà Nội là phấn đấu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và vốn giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở đó, TP Hà Nội định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn.
Sản xuất công nghiệp quý IV tăng 9,1%
Theo Sở Công thương Hà Nội, sản xuất công nghiệp trong quý IV/2022 của thành phố tiếp tục duy trì đà phục hồi tăng trưởng tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý IV tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so với năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,9%; khai khoáng giảm 5,1%.
Trong năm 2022, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP đạt mức tăng cao so với năm trước như ngành sản xuất đồ uống tăng 18,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,5; sản xuất thiết bị điện tăng 11,4%; sản xuất trang phục tăng 11,2%... Đây là những ngành có thể mạnh xuất khẩu và phục vụ thiết yếu cho đời sống tiêu dùng, sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, một số ngành chỉ số IIP giảm so với năm trước như sản xuất máy móc, thiết bị giảm 8,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 1,9%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 0,1%.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 giảm 5,4% so với năm 2021. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm cuối năm 2022 giảm 57,4% so với cuối năm 2021.
Lượng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 12/2022 tương đương cuối năm 2021. Tính chung cả năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,1% so với năm 2021.