Trang trại trồng ớt làm gia vị xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Bộ NN&PTNT |
Dự án SFV-Export sẽ triển khai trong giai đoạn hai năm 2022 - 2023, được đánh dấu khởi động bằng hội thảo “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam – SFV-Export”, diễn ra sáng 6/5.
Theo đó, đối tượng chính hướng đến của dự án này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả có mong muốn gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU. Những doanh nghiệp này ngoài việc có nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn được EU công nhận thì cũng phải đạt tiêu chí là có liên kết chuỗi với nhà cung cấp trong nước và doanh thu trung bình từ 30 tỷ đồng/năm. Dự án đặc biệt dành sự ưu tiên cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, môi trường bền vững.
Chia sẻ về mục tiêu của dự án SFV-Export, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA đang mở rộng cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam vào châu Âu, khi thuế nhập khẩu được bãi bỏ với hầu hết các mặt hàng, tạo lợi thế vượt trội về giá bán.
Với tổng giá trị xuất khẩu vào châu Âu năm 2020 đạt 855 triệu Euro (tăng 8% so với năm 2019), nhưng ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này của EU.
“Trong giai đoạn COVID-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rau củ quả EU tăng cao, trong đó sản phẩm rau quả tươi tăng hơn 30%. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa Việt Nam tại EU còn khiêm tốn do rào cản kỹ thuật tiêu chuẩn, hàng hóa chưa ổn định, thiếu thông tin, thiếu khả năng tiếp cận thị trường này, thiếu năng lực toàn ngành quảng bá về sản phẩm xuất khẩu”, ông Phòng cho biết.
“Do vậy, mục tiêu của dự án SFV-Export nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng gia vị, rau quả bao phủ rộng, gồm: các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà cung cấp của các doanh nghiệp xuất khẩu, và các doanh nghiệp khác trong ngành. Từ đó giúp các doanh nghiệp tăng doanh số xuất khẩu vào các thị trường sẵn có và tạo điều kiện để tiếp cận thị trường các thị trường mới”.
Đây cũng là quan điểm được đại diện cơ quan tài trợ cho dự án là Phái đoàn thương mại Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Matthieu Penot, chia sẻ.
Theo ông Matthieu Penot, Việt Nam mới chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của EU. Do đó dự án đặt ra mục tiêu có thể làm gì tốt hơn để giúp Việt Nam chiếm lĩnh được nhiều thị phần hơn nữa ở thị trường này. Từ cơ chế thương mại tương đối rộng mở với các FTA hiện nay, dự án SFV-Export được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi xuất khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm trong ngành.
“Việt Nam phải tiếp tục cạnh tranh với các nhà xuất khẩu rau quả, gia vị khác trên thế giới không chỉ về giá, mà còn phải cạnh tranh về chất lượng. Vì vậy, dự án này sẽ có những đóng góp tích cực trong việc giúp hàng hóa của Việt Nam duy trì được lợi thế cạnh tranh của mình”.
Trong khi đó, thông tin khái quát tới cộng đồng doanh nghiệp về mục tiêu của dự án, bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, SFV-Export mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam được công nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu.
“Dự án hướng tới đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất và hệ sinh thái tự nhiên. Các tiêu chí như Fairtrade yêu cầu khắt khe đối với các chính sách và thực hành của doanh nghiệp trong việc đảm bảo bình đẳng giới, môi trường bền vững, quyền lợi cho người lao động”, bà Hoa nói thêm.
“SFV-Export hướng tới các tiêu chuẩn định hướng để đạt đến mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững và đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất. Bên cạnh việc hỗ trợ thực hành tiêu chuẩn trong các lĩnh vực trên, Oxfam sẽ kết nối đa bên từ các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, và các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của ngành hàng gia vị, rau quả”.
Các nhóm hỗ trợ chính của dự án
Đề cập về nội dung và chương trình cụ thể về dự án, bà Hoàng Lê Trang, Quản lý dự án cho biết, SFV-Export sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng gia vị, rau quả thông qua 5 nhóm hoạt động chính, bao gồm việc hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu giúp doanh nghiệp tuân thủ và được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do Châu Âu công nhận như IFS, BRC và Fairtrade.
Đồng thời, dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động marketing, phát triển thị trường, cung cấp thông tin về thị trường và kết nối doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng từ thị trường Châu Âu. Hoạt động thứ ba đến từ việc số hóa các hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến thương mại trên nền tảng số chuyên biệt.
SFV-Export cũng hỗ trợ việc cải thiện chính sách và thực hành tốt liên quan đến người lao động, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường. Cuối cùng hoạt động hỗ trợ thúc đẩy hợp tác đa bên để nâng cao năng lực ngành và quảng bá nông sản Việt Nam vào thị trường EU.
Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành rau quả, gia vị gia tăng doanh số xuất khẩu thì dự án cũng hướng tới mục tiêu bao trùm hơn là nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trao đổi với MEKONG ASEAN, bà Hoàng Lê Trang chia sẻ thêm, với thiết kế của dự án thì việc hỗ trợ cho một số doanh nghiệp đạt được các bộ tiêu chuẩn giống như xây dựng một mô hình. Từ các mô hình này, dự án sẽ kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để nhân rộng hơn tới các chương trình tiếp theo của các bộ. Dự án coi các doanh nghiệp được hỗ trợ là các hạt nhân để hỗ trợ rộng rãi lan tỏa trong ngành.
"Trong những nội dung hỗ trợ của dự án thì việc giúp doanh nghiệp đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn là một trong những trọng tâm của SFV-Export. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một dự án, chúng tôi sẽ không thể tháo gỡ hết được nên sẽ tập trung vào 2 bộ tiêu chuẩn: An toàn thực phẩm và thực hành bền vững".
EU rất quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và lợi ích của nhà cung cấp, người lao động và môi trường. Do đó đây là hai bộ tiêu chuẩn mà dự án sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách mời các chuyên gia, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn để tư vấn các doanh nghiệp.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp cụ thể, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Rau an toàn Tứ Xã (Phú Thọ) cho biết ông mong muốn tìm hiểu dự án triển khai những gì và các tiêu chuẩn để tham gia. Ông Nghĩa đánh giá mục tiêu của dự án sẽ hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp.
“Dự án được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là khi số lượng các doanh nghiệp quy mô như vậy chiếm phần lớn và đi theo đó là một lực lượng lao động lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, dự án sẽ không chỉ mang lại các lợi ích kinh tế mà còn cả lợi ích xã hội”, ông Nghĩa chia sẻ thêm với Mekong Asean.