Nền kinh tế số Đông Nam Á dự kiến đạt 218 tỷ USD năm nay

KInh tế số asean
16:48 - 01/11/2023
Trong năm 2023, nền kinh tế số Đông Nam Á tăng trưởng 11% so với năm 2022 bất chấp khó khăn trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong năm 2023, nền kinh tế số Đông Nam Á tăng trưởng 11% so với năm 2022 bất chấp khó khăn trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Báo cáo công bố ngày 1/11 của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt tổng giá trị giao dịch 218 tỷ USD trong năm 2023, tăng 11% so với 2022 bất chấp các thách thức kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Theo hãng tin CNBC, báo cáo thường niên e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company phân tích 5 lĩnh vực chính của các nền kinh tế số Đông Nam Á bao gồm – thương mại điện tử, du lịch, thực phẩm và vận tải, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

Các quốc gia được đưa vào phân tích là 6 nền kinh tế lớn của khu vực: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Nhận định về sự phát triển của khu vực trong năm 2023, báo cáo cho biết: “Đông Nam Á đã vượt qua những khó khăn trong môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu với khả năng phục hồi cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới… Niềm tin của người tiêu dùng đang bắt đầu cải thiện vào nửa cuối năm 2023 sau khi giảm xuống mức thấp trong nửa đầu năm 2023”.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế số Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt tổng giá trị giao dịch 218 tỷ USD trong khi doanh thu dự kiến đạt 100 tỷ USD năm 2023. Nguyên nhân được đưa ra là do các công ty đang chuyển trọng tâm từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang lợi nhuận, trong nỗ lực xây dựng hoạt động kinh doanh “lành mạnh”.

Về các lĩnh vực cụ thể, các nền tảng thương mại điện tử đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút người dùng có giá trị cao, tăng quy mô giao dịch cũng như tìm kiếm các nguồn doanh thu như dịch vụ quảng cáo và giao hàng để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Tới năm 2025, tổng giá trị giao dịch của lĩnh vực này ước tính sẽ đạt 186 tỷ USD, tăng từ mức 139 tỷ USD của năm 2023.

Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số, nhu cầu của người tiêu dùng cũng đồng thời thúc đẩy hoạt động cho vay kỹ thuật số – lĩnh vực mà báo cáo e-Conomy SEA 2023 nhận định chiếm phần lớn trong doanh thu trị giá 30 tỷ USD từ các dịch vụ tài chính kỹ thuật số của Đông Nam Á trong năm 2023.

Theo báo cáo, Singapore được dự đoán sẽ trở thành thị trường cho vay kỹ thuật số lớn nhất trong khu vực vào năm 2030.

Mặt khác, nhờ sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, lĩnh vực du lịch và vận tải trực tuyến của Đông Nam Á đang trên đà phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024. Mặc dù hoạt động ăn uống trực tiếp quay trở lại và các doanh nghiệp giao hàng tiến hành cắt giảm các chương trình khuyến mãi, doanh thu giao đồ ăn thuộc lĩnh vực vận tải vẫn đạt 800 triệu USD vào năm 2023, tăng 60% so với một năm trước.

Phát biểu về tiềm năng phát triển nền kinh tế số Đông Nam Á trong năm nay cũng như trong tương lai, báo cáo dẫn lời Sapna Chadha, Phó Chủ tịch Google Đông Nam Á cho biết: “Việc tập trung vào thu hẹp khoảng cách tham gia kỹ thuật số và kiên quyết xóa bỏ các rào cản để cho phép nhiều người Đông Nam Á trở thành người dùng tích cực các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số sẽ giúp khu vực mở ra sự tăng trưởng hơn nữa trong thập kỷ kỹ thuật số”.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.