Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: X/@RusEmbUSA |
RT đưa tin, trong bài đăng trên Telegram ngày 29/5, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định: "Không có lệnh cấm vận hay trừng phạt nào có thể phá vỡ nền kinh tế Nga. Không thể buộc Nga đi chệch khỏi con đường nguyên tắc của mình. Chúng tôi tiếp tục xây dựng tiềm năng kinh tế xã hội và công nghiệp của mình," Đại sứ Antonov nhấn mạnh.
Ông nhấn mạnh rằng Nga đang coi tình hình các lệnh trừng phạt hiện nay như một động lực bổ sung để thay đổi nhập khẩu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp then chốt. “Những con số về sự tăng trưởng của thị trường quốc gia đã nói lên điều đó," ông Antonov cho hay.
Tuyên bố của quan chức ngoại giao Nga được đưa ra nhằm phản ứng trước phát biểu một ngày trước đó của Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế Daleep Singh. Tại một sự kiện do Viện Brookings tổ chức ở Washington, ông Singh đã được hỏi liệu Mỹ có nên "áp thuế đối với mọi thứ Nga xuất khẩu" như một phần của lệnh trừng phạt đối với cuộc xung đột Ukraine hay không.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế Daleep Singh. Ảnh: RT |
“Lịch sử của các lệnh cấm vận [thương mại] không phải là một điều vĩ đại. Nhưng trong bối cảnh Nga đang chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế của mình thành một nhà máy cho cỗ máy chiến tranh, chúng ta cuối cùng sẽ đi đến hành động,” ông Singh – người được một số phương tiện truyền thông mô tả là “kiến trúc sư của các lệnh trừng phạt Nga” – cho hay.
Đại sứ Nga Antonov nói rằng các quan chức Mỹ “không có gì đáng tự hào khi đưa ra những tuyên bố như vậy” về lệnh cấm vận. “Về bản chất, Mỹ đang công khai ra tín hiệu sẵn sàng phá hủy hoàn toàn các mối quan hệ kinh tế toàn cầu đã được thiết lập,” ông nhấn mạnh.
Ông Antonov cho biết, các nền kinh tế đang phát triển và các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đang phải “gánh chịu” sự chia cắt bởi hơn 4.500 hạn chế do Washington áp đặt đối với các cá nhân và công ty Nga trên toàn cầu kể từ tháng 2/2022.
Theo nhà ngoại giao Nga, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã “kích động Nga và các nước khác trả đũa, từ đó làm tăng thêm nguy cơ xung đột trong thương mại toàn cầu”, cũng như làm trầm trọng thêm “tình trạng vốn tồi tệ” trong quan hệ giữa Moscow và Washington.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cho biết, mặc dù Nga là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới nhưng GDP vẫn tăng 3,6% và “cao hơn mức trung bình toàn cầu” vào năm 2023. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến kinh tế nước này sẽ tăng trưởng từ 2,5% - 3,5% trong năm nay.
Tờ Financial Times ngày 28/5 đưa tin, hơn một nửa số doanh nghiệp phương Tây đã công bố kế hoạch rời khỏi Nga sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra vẫn ở lại nước này do hoạt động tiêu dùng phục hồi. Tờ báo cho biết, có ít nhất 2.173 công ty nước ngoài tiếp tục hoạt động ở Nga, trong khi khoảng 1.600 công ty đã rời khỏi thị trường hoàn toàn hoặc giảm hoạt động.