Ngành y tế vượt và đạt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022

Y Tế Bộ Y Tế
13:30 - 24/02/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ trì hội nghị hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 của Bộ Y tế. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ trì hội nghị hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 của Bộ Y tế. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2022 dù tình hình có nhiều biến động, ngành y tế vẫn hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao, trong đó vượt 2/3 chỉ tiêu về số bác sỹ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân.

Ngày 24/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ trì hội nghị hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 của Bộ Y tế. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nối điểm cầu Chính phủ với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.

Ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường, khó dự báo; tác động đến kinh tế - xã hội trong nước và sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành y tế.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng vẫn được ngành nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước trong năm 2022. Ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao, trong đó vượt 2/3 chỉ tiêu được giao về số bác sỹ/vạn dân (11,5 bác sỹ) và số giường bệnh/vạn dân (31 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia BHYT (92,03%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao (13/16 chỉ tiêu).

Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và từng bước hoàn thiện. Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15.

Đồng thời, Bộ Y tế đã và đang tập trung xây dựng để trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều văn bản mang tính bản lề trong hoạt động của ngành như Luật Dược sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Dân số, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh,…

Tập trung giải quyết các khó khăn, tồn tại của ngành, bước đầu giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bộ đã xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc, trang thiết bị, về bảo hiểm y tế, về chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng… và xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của Ngành.

Ngành y tế cũng kiểm soát tốt dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Cùng với đó, ngành tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi lại các hoạt động khám chữa bệnh so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Áp dụng khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế.

Cũng trong năm 2022 ngành y tế đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy; tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe.

Ngành cũng tập trung giải quyết các vướng mắc, triển khai các dự án xây dựng các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, góp phần giảm tải bệnh viện. Tập trung công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu về công tác triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của ngành y tế.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu về công tác triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của ngành y tế.

Vẫn còn những khó khăn hiện hữu

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan trên thực tiễn cần được khắc phục.

Nhất là khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn khó lường, khó dự báo; hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện; tình trạng nghỉ việc, chuyển công tác của nhân viên y tế công lập, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn còn; nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế chưa đủ nguồn lực phục vụ người dân;

Cùng đó, năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế; chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu;

Công tác đào tạo nhân lực ngành y tế còn những vấn đề về việc bảo đảm chất lượng; một số dự án vẫn còn kéo dài; cơ cấu bệnh tật thay đổi, quy mô dân số gia tăng, tác động của dịch Covid-19 đã và đang tạo sức ép rất lớn đối với công tác y tế. Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 cũng như những năm tới đối với ngành y tế là rất nặng nề.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được trong các lĩnh vực của ngành Y tế trong năm 2022; các tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, nguyên nhân rút ra để có những giải pháp thiết thực, cụ thể cho năm 2023 và những năm tiếp theo.

Các đại biểu dự kiến tham gia đóng góp, bổ sung đối với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá của ngành Y tế trong năm 2023. Trong đó có tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác phù hợp trong tình hình mới; đặc biệt trong điều kiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế không còn thực hiện, nguồn lực cho công tác y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế.

Các nhiệm vụ cần tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, các dự án luật, các văn bản dưới luật để tạo hành lang pháp lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành như hướng dẫn triển khai Luật khám bệnh chữa bệnh, đấu thầu thuốc, gói dịch vụ, đặc biệt đối với trang thiết bị và hóa chất…

Nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Các giải pháp tập trung để xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở; từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đề xuất các chính sách nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong điều kiện nguồn lực cho công việc còn rất hạn chế; tăng cường truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Các giải pháp nâng cao công tác đào tạo nhân lực ngành Y tế; tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội lĩnh vực y tế...

Tin liên quan

Đọc tiếp