Khẳng định tầm quan trọng của Nghị định 35 với các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT), tại Hội thảo "Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và trao chứng nhận bình chọn khu công nghiệp tiêu biểu năm 2022" do tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 26/8, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết:
"Nghị định 35 đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm động viên, khuyến khích các chủ đầu tư Khu công nghiệp đã tạo nên những khu công nghiệp xanh, sạch, đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cả về vấn đề môi trường và vấn đề an sinh xã hội".
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Vấn đề nhà ở cho công nhân được quy định rõ ràng
Tại hội thảo, Luật sư Trần Đại Nghĩa, CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam đã chỉ ra những điểm mới của Nghị định 35 so với Nghị định 82 như: Sửa đổi bổ sung quy định về quy hoạch; sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách; bổ sung các vấn đề về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hoàn thiện cơ chế chính sách về khu công nghiệp sinh thái;...
Luật sư Trần Đại Nghĩa, CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam. |
Theo đó, một điểm mới được các chuyên gia đánh giá cao là về vấn đề nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong khu công nghiệp. Tại Khoản 4 điều 4 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định các KCN phải dành quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích để xây nhà ở cho công nhân.
Hoan nghênh việc Chính phủ quy định rõ việc xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp, chia sẻ với Mekong Asean, PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng cho biết:
"Cách đây 30 năm, trong khu công nghiệp không có nhà ở, chúng ta chỉ tập trung thu hút đầu tư, nâng tỷ lệ lấp đầy. Tuy nhiên khi khu công nghiệp đi vào hoạt động thì phát sinh ra nhu cầu ở, sinh hoạt và tái sản xuất sức lao động của công nhân và Nghị định 35 đã giải quyết được vấn đề này".
PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng. |
"Không chỉ là xây nhà cho công nhân, Nghị định còn quy định rõ việc xây dựng nhà ở phải đi kèm các tiện ích, dịch vụ công trình giáo dục, y tế, văn hóa cho người lao động. Đây là điều rất đúng đắn bởi người công nhân không chỉ cần nhà ở mà còn cần các tiện ích trường học, bệnh viện…", ông Hải Phân tích.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng cũng nhấn mạnh một nội dung quan trọng chưa được đề cập đến trong Nghị định đó là việc xây dựng các KCN thành các đô thị công nghiệp.
"Hiện chưa có tên gọi cho các điểm cư dân trong các khu công nghiệp. Các KCN cũng không phải là một điểm dân cư nông thôn để phục vụ sản xuất nông nghiệp và người lao động ở đây không làm nông. Do vậy, ngay từ khi quy hoạch phải nhìn nhận các KCN là các đô thị công nghiệp sau đó phát triển theo hướng đó".
PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng.
Ông Hải khẳng định đô thị công nghiệp là mô hình mà thế giới đang theo đuổi và triển khai trong nhiều năm nay. Ngoài ra, trong tương lai cần hoàn thiện các chính sách để có tên gọi đúng cho các đối tượng cư dân trong khu công nghiệp.
Từ phía doanh nghiệp, Nghị định 35 được ban hành đã có nhiều tác động trực tiếp tới các KCN, KKT. Trao đổi với Mekong Asean, Bà Trần Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - KCN Nam Đình Vũ cho biết, có 2 điểm chính trong Nghị định đang có tác động trực tiếp đến KCN một trong số đó là quy định nhà ở trong khu công nghiệp cho công nhân.
Bà Trần Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - KCN Nam Đình Vũ |
"Theo đó, các khu công nghiệp sẽ dành tối thiểu 2% diện tích để xây dựng cho nhà ở công nhân. Như vậy chúng tôi đã có thể xây dựng cơ sở lưu trú cho công nhân, tạo thuận lợi lớn cho công nhân trong quá trình lao động. Điều mà trước nay chưa từng được đề cập đến trong các khu công nghiệp", bà Trần Tố Loan phân tích.
Tuy nhiên, bà Loan cho biết để áp dụng điểm mới này vào thực tế thì lại có một số vướng mắc: "Ví dụ như KCN Nam Đình Vũ với tổng diện tích trên 5.000ha, tổng số lao động dự kiến tối thiểu là 500.000 lao động. Toàn bộ khu vực này hiện nay được Hải Phòng quy hoạch khoảng 35ha đất dành cho nhà ở công nhân nhưng quy hoạch này chắc chắn hoàn toàn không thể đảm bảo được nhu cầu hiện tại, chưa kể là số lượng lao động tăng lên trong tương lai".
"Trước đây, để đưa được nhà ở công nhân về KCN rất phức tạp nhưng Nghị định 35 đã có quy định là có thể xây dựng các cơ sở lưu trú cho người lao động trên đất hành chính dịch vụ, điều này dễ dàng hơn rất nhiều cho doanh nghiệp".
Bà Trần Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - KCN Nam Đình Vũ.
Bà Loan khẳng định ít nhất tại thời điểm này, Nghị định 35 rất là tiến bộ so với Nghị định 82 và có rất nhiều việc có thể bắt tay vào làm luôn thay vì phải chờ đợi như trước đây.
Ngoài điểm mới về nhà ở công nhân, một điểm rất được các chủ đầu tư, các KCN quan tâm thực hiện đó là việc hoàn thiện cơ chế chính sách về khu công nghiệp sinh thái thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025 mà các KCN, KKT phải là những đơn vị đi đầu.
Hiện Việt Nam có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp nước ngoài đến từ trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký của cả nước.