Người dân Malaysia buộc phải tiết kiệm chi tiêu trong tháng lễ Ramadan khi giá cả tăng cao. Ảnh: Reuters |
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Malaysia, lạm phát giá tiêu dùng vẫn tăng ở mức 3,7% trong tháng 2, với các mặt hàng thực phẩm và đồ uống tăng ở mức cao 7%. Mặt khác, Straits Times trích dẫn chuyên gia thống kê cấp cao Mohd Uzir Mahidin cho biết mưa lớn liên tục ở một số bang từ cuối tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 cũng góp phần đẩy giá lương thực, nhất là rau củ tăng cao hơn nữa.
Ông chia sẻ: “Do sự chuyển đổi của gió mùa, lạm phát rau quả đã ghi nhận mức tăng đáng kể là 5,8% trong tháng 2/2023 so với mức 1% trong tháng 1 trước đó”.
Trong bối cảnh giá cả tăng cao ảnh hưởng tới sức mua của người dân, các chuyên gia kinh tế cho rằng người tiêu dùng có xu hướng thận trọng hơn trong chi tiêu, nhất là khi thu nhập không tăng tương ứng.
Trả lời Straits Times, giáo sư kinh tế Yeah Kim Leng của Đại học Sunway, Malaysia nhận định: “Nền kinh tế đang chậm lại, giống như những gì được phản ánh trong các chỉ số kinh tế mới nhất. Người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt hầu bao khi phải đối mặt với những bất ổn gia tăng đối với nền kinh tế và cũng có thể chi tiêu ít hơn do các gói kích thích Covid-19 đã hết hạn”.
Trong thời kỳ đại dịch năm 2020, GDP của Malaysia đã giảm 5,6%, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Gia đình ông Azmir Ikmal chính là một ví dụ. Trong nhiều năm, gia đình này sẽ kết thúc một ngày nhịn ăn của mình trong tháng lễ Ramadan bằng một bữa tiệc buffet tại một khách sạn. Tuy nhiên khi lạm phát leo thang, gia đình ông đã buộc phải thay đổi thói quen này thành gọi món từ thực đơn.
Truyền thống này đã tồn tại từ khi ông còn nhỏ và ông muốn cố gắng duy trì nó càng lâu càng tốt, đặc biệt là sau khi cha ông qua đời. Dù vậy, việc này đang trở nên ngày càng khó khăn khi mọi thứ tăng giá và tiệc buffet trong tháng Ramadan tại khách sạn yêu thích của gia đình ông đã tăng giá 25% lên ngưỡng 47,11 USD/người.
Ông cho biết mọi người trong gia đình đều đồng ý rằng không nên chi tiêu nhiều như vậy và do đó, lựa chọn điều chỉnh lại thói quen ăn uống mà không cần phải ngừng việc đến khách sạn yêu thích đã được đưa ra.
Cũng giống như ông Azmir Ikmal, dược sĩ Aliya Hashim đang thắt chặt hầu bao bằng cách tự chuẩn bị bữa ăn trong tháng Ramadan và bánh quy Hari Raya, sau khi các tiệm bánh đều tăng giá. Cô cho biết đã thực hiện các tính toán và phát hiện ra mình có thể tiết kiệm nhiều hơn bằng cách này.
Bản thân thợ làm bánh Mimi Zainal cũng cảm thấy khó khăn khi cho biết giá bơ đã tăng 30% trong vài tháng qua, buộc cô phải tăng giá sản phẩm của mình. Cô chia sẻ một khối bơ 250g mà cô thường sử dụng hiện có giá 5,59 USD, tức cao hơn 1,29 USD so với giá trước đó. Vì vậy, cô không thể bán bánh quy của mình với giá 7,93 USD nữa mà phải tăng giá thêm 0,68 USD.
Tuy nhiên sau khi tăng giá, doanh số bán hàng không tăng trưởng. Cô cho biết trong tuần đầu tiên của tháng Ramadan, cô thường nhận được đơn đặt hàng khoảng 100 hộp bánh, tuy nhiên hiện cô chỉ nhận được các đơn hàng 45 hộp trong khi tháng lễ đã bước vào tuần thứ 2.
Nhằm phần nào giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người dân, chính phủ Malaysia từ đầu tuần đã khai trương chợ Rahmah Ramadan, trong đó bao gồm các xe tải thực phẩm cung cấp các bữa ăn giá cả phải chăng dưới 1,13 USD tại 38 địa điểm trên toàn quốc.