Theo Japan Times, chỉ khoảng 6 tiếng sau khi một thiết bị nổ bị ném vào Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trước khi ông thực hiện bài phát biểu trước công chúng tại Wakayama hôm 15/4, nhà lãnh đạo này tiếp tục diễn thuyết cho một ứng cử viên khác trước khu phức hợp mua sắm nổi tiếng ở Urayasu, tỉnh Chiba.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu trước đám đông tại Urayasu, tỉnh Chiba, chiều ngày 15/4. Ảnh: Kyodo |
Ông Kishida đứng phát biểu trên sân khấu, xung quanh ông là các sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục và thường phục, còn bên dưới là đám đông đứng xem. Bất chấp tình huống bất ngờ xảy ra trước đó, Thủ tướng Nhật Bản thậm chí còn bắt tay với một số người trong đó. Do tính chất của các cuộc vận động tranh cử, khu vực tổ chức diễn thuyết cũng không đặt máy dò kim loại hay kiểm tra túi xách, balo.
Những kẽ hở an ninh trong chiến dịch tranh cử
Trong khi đó, tại thị trấn Karuizawa ở tỉnh Nagano - nơi đang tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng G7, tình hình an ninh đã được giới chức thắt chặt.
Ở khu vực gần địa điểm tổ chức cuộc họp, các phương tiện giao thông di chuyển chậm vì cảnh sát thiết lập các chướng ngại vật nằm rải rác trên các tuyến đường. Trung tâm mua sắm Karuizawa Prince được đóng cửa cho đến hết ngày 18/4 khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh.
Các sĩ quan cảnh sát phong tỏa con đường gần nơi tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng G7, thị trấn Karuizawa, tỉnh Nagano, Nhật Bản, ngày 16/4. Ảnh: AFP |
Bộ Ngoại giao Nhật Bản từ chối cung cấp thông tin chi tiết về sự hiện diện của cảnh sát, hoặc liệu lực lượng này có được tăng cường sau vụ việc ở Wakayama hôm 15/4. Tuy nhiên, điều này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thắt chặt an ninh trong các sự kiện lớn tại nước này, bao gồm cả trong các chiến dịch bầu cử.
“Đây là một vấn đề liên quan đến bản chất của các chiến dịch bầu cử ở Nhật Bản”, chuyên gia phản gián Yu Inamura - thuộc Viện tư vấn và nghiên cứu Japan Detective Technology (JDT), cho biết. “Trong các chiến dịch này, khoảng cách và sự tiếp xúc giữa diễn giả và khán giả được ưu tiên. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một điểm yếu lớn”.
Người dân tập trung tại Wakayama để nghe bài phát biểu của Thủ tướng Fumio Kishida, trước khi xảy ra vụ tấn công bom khói. Ảnh: Kyodo |
Không giống như các quốc gia như Mỹ - nơi các diễn giả nổi tiếng thường đứng ra xa khán giả, được che chắn bằng kính chống đạn, tại các cuộc vận động tranh cử ở Nhật Bản, các chính trị gia thường bắt tay và phát biểu trước số lượng lớn khán giả, trong khi không có điểm kiểm tra an ninh.
Chính những yếu tố này đã tạo ra kẽ hở an ninh lớn. Tại vụ việc ở thành phố Wakayama, thiết bị nổ đã bị ném vào khu vực của Thủ tướng Kishida và chỉ cách ông khoảng 1 mét, trước khi ông có bài phát biểu trước đám đông khoảng 200 người.
Hình ảnh các chính trị gia và ứng viên tranh cử hòa mình vào đám đông sau một bài phát biểu được cho là điển hình trong mùa bầu cử. Số người mà họ bắt tay được cho là ảnh hưởng trực tiếp đến số phiếu bầu mà họ thu được. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho các chính trị gia trong chiến dịch tranh cử được cho là khó có thể sớm thay đổi mạnh mẽ.
Thủ tướng Kishida được bao quanh bởi các nhân viên an ninh trước khi xảy ra vụ tấn công ở Wakayama, ngày 15/4. Ảnh: Kyodo |
Theo NHK, trong vụ việc tấn công bom khói nhắm vào Thủ tướng Kishida hôm 15/4, cảnh sát tỉnh Wakayama đã tiến hành kiểm tra trước địa điểm diễn thuyết, trong khi Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA) đã xem xét kế hoạch an ninh do cảnh sát tỉnh soạn thảo.
Tuy nhiên, các quan chức NPA và cảnh sát tỉnh được cho là đã bỏ qua bước tiến hành kiểm tra chung địa điểm diễn thuyết – một lớp bảo vệ bổ sung được đưa ra sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 7/2022.
Mặc dù vậy, các nhân viên an ninh hộ tống ông Kishida đã có phản ứng kịp thời trước mối đe dọa của thiết bị nổ. Video ghi cảnh vụ tấn công cho thấy lực lượng an ninh đã ngay lập tức gạt quả bom khói khi nó bị ném xuống, đồng thời sử dụng một chiếc vali chống đạn để bảo vệ ông Kishida.
Nghi phạm Ryuji Kimura - người được cho là đã ném quả bom khói khí khi ông Kishida chuẩn bị phát biểu ở Wakayama. Ảnh: Kyodo |
Điều này cũng đã khác so với vụ ám sát ông Abe, khi tay súng Tetsuya Yamagami đã lợi dụng lỗ hổng lực lượng an ninh để bắn ông từ phía sau lưng. “So với vụ việc xảy ra đối với cựu Thủ tướng Abe vào năm ngoái, các biện pháp an ninh lần này đã được cải thiện”, ông Inamura nói.
Bảo vệ V.I.P trước ‘sói đơn độc’
Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tại Hiroshima. Đây là sự kiện lớn nhất do nước này đảm nhận kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2019 tại Osaka.
Giới chức khi đó đã đưa ra hàng loạt các biện pháp an ninh chưa từng có, gồm huy động 32.000 cảnh sát từ 46 quận về địa điểm tổ chức sự kiện, niêm phong thùng rác và các tủ khóa trong nhà ga, hạn chế di chuyển xung quanh các khách sạn lớn, hủy bỏ hoạt động giảng dạy trong trường học, cũng như đóng cửa một số cửa hàng và cơ sở kinh doanh nhỏ.
Các sĩ quan cảnh sát tuần tra tại khu vực gần điểm tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng G7, thị trấn Karuizawa, tỉnh Nagano. Ảnh: AFP |
Tại thời điểm này, Nhật Bản đang cố gắng giải quyết mọi thách thức an ninh tiềm tàng. Với tư cách là Chủ tịch nước chủ nhà, Thủ tướng Kishida ngày 16/4 tuyên bố rằng: “Dù thế nào đi nữa, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo an ninh và an toàn trong hội nghị thượng đỉnh và các sự kiện khác quy tụ các chức sắc từ khắp nơi trên thế giới”.
Vụ ném bom khói tại Wakayama đã khiến giới chức Nhật tiếp tục suy nghĩ về vấn đề bảo vệ các V.I.P (nhân vật rất quan trọng). “Tôi nghĩ rằng sẽ có một số người bắt chước những gì mà nghi phạm đã làm lần này”, ông Inamura nói. “Trong bối cảnh này, tôi nghĩ chúng ta cần bước vào một giai đoạn mới về vấn đề an ninh”.
Tuy nhiên, việc ngăn ngừa các cuộc tấn công của “con sói đơn độc” – nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Abe và có thể là nghi phạm ném bom khói vào Thủ tướng Kishida - sẽ là một yêu cầu cao.
“Việc nắm bắt (kế hoạch) hành động khủng bố như hành động của các tổ chức ở nước ngoài có niềm tin chính trị hoặc tôn giáo sẽ dễ dàng hơn”, ông Inamura cho biết.
“Những con sói đơn độc trở nên bị cô lập khỏi xã hội và hình thành mối hận thù với nó trong quá trình đó. Ngăn chặn những kiểu tấn công này ‘sẽ là tạo ra một xã hội để không có những kẻ phạm tội đơn độc, chứ không phải là xác định trước chúng’”, ông giải thích.
Tại cuộc họp báo ngày 17/4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết: “Việc xảy ra các vụ tấn công của những kẻ phạm tội đơn độc nhắm vào các cơ sở chính phủ hoặc nhân vật quan trọng ở Nhật Bản và nước ngoài là một vấn đề đáng lo ngại”.
Ông nhấn mạnh: “Để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp như vậy, chính phủ sẽ tăng cường các hoạt động tình báo và tất cả các cơ quan liên quan sẽ làm việc cùng nhau để thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm đảm bảo cảnh giác và an ninh”.