Lượng tiêu thụ thịt đang giảm dần. Ảnh: Phương Thảo. |
Theo dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi đang có xu hướng giảm dần về cuối năm. Nếu quý 1 ước tính nhu cầu tiêu thụ là 1.233 tấn thì các quý sau dự kiến nhu cầu ngày một giảm dần: Quý 2 ước tiêu thụ 1.142 tấn, quý 3 là 1.119 tấn và quý 4 là 1.073 tấn.
Tương tự, nhu cầu tiêu thụ trứng gia cầm cũng chung xu hướng giảm dần: Quý 1 đã tiêu thụ 1.648 tấn, các quý sau dự kiến giảm dần còn 1.541 tấn trong quý 2, 1.515 tấn trong quý 3 và 1.488 tấn trong quý 4.
Bộ NN&PTNT cũng dự kiến sản lượng và cơ cấu thịt gia súc, gia cầm quý 2/2023 không khác nhiều so với cùng kỳ năm trước, 1.779. Cụ thể, thịt lợn đạt khoảng 1.128 tấn chiếm 63,4%; thịt gia cầm 504 tấn chiếm 28,3%; thịt trâu 29 tấn chiếm 1,6%; thịt bò 118 tấn chiếm 6,6%. Tổng sản lượng gia súc, gia cầm ước khoảng 1.779 tấn.
Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), lĩnh vực chăn nuôi có vai trò lớn, có quy mô ngày càng mở rộng. Bên cạnh chăn nuôi hiện đại quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ cũng một bộ phận quan trọng.
Ngành chăn nuôi Việt Nam có những thuận lợi nhất định như có vốn đầu tư lớn với nhiều doanh nghiệp lớn tham gia. Vấn đề bảo vệ vật nuôi và thú ý được chú trọng, nhờ vậy ngành có sự tăng trưởng cơ bản ổn định.
Quy mô thị trường trong nước ngày một mở rộng, với vị trí bên cạnh thị trường lớn Trung Quốc nên chăn nuôi cũng được quan tâm phát triển.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi hiện nay gặp không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là thị trường tiêu thụ không ổn định cả trong và ngoài nước, cùng với chi phí đầu vào tăng cao, hiệu quả đầu tư không cao khiến người chăn nuôi ảnh hưởng
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, dịch bệnh đe dọa vật nuôi trong khi nguồn lực chăn nuôi còn khó khăn.
Những khó khăn trên theo ông Thắng đến từ việc thiếu thông tin định hướng thị trường. Hoạt động giết mổ chế biến sâu chưa được chú trọng. Công nghệ cung ứng còn một số bất cập và giá thành nguyên vật liệu đầu vào chăn nuôi khá cao.
Ngành chăn nuôi phát triển có mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân và xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đã có nhiều giải pháp, trong đó, có kiến nghị hạ thuế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (đậu tương) xuống 0% giúp giảm chi phí chăn nuôi. Điều chỉnh việc nhập khẩu các sản phẩm thịt một cách công bằng trên tinh thần bảo vệ người tiêu dùng trong nước.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tháng 4/2023, giá lợn hơi trên cả nước tăng do nhu cầu tiêu thụ khởi sắc. Cụ thể, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc tăng 4.000 – 5.000 đồng/kg so với tháng trước, dao động trong khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên tăng 4.000 đồng/kg so với tháng trước đó, dao động trong khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg. Giá lợn hơi miền Nam tăng 1.000 - 5.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg.
Giá thu mua lợn hơi tại một số tỉnh trong tháng 4/2023. Nguồn: Bộ NN&PTNT. |
Giá bò hơi tại tỉnh Đồng Nai trong tháng 4/2023 ổn định ở mức 75.000 đồng/kg. Giá bò hơi Vĩnh Long tăng 1.000 đồng/kg lên mức 85.000 đồng/kg.
Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Bắc, miền Trung và miền Nam tăng 2.000 đồng/kg lên mức 32.000 - 33.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Nam và miền Trung giảm 5.000 – 6.000 đồng/kg xuống mức 19.000 - 20.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp giảm do sức mua thấp.
Tháng 4/2023, thị trường trứng gà có xu hướng giảm do nhu cầu không biến động trong khi nguồn cung lại gia tăng.
Cụ thể, giá trứng gà miền Bắc giảm 50 đồng/quả xuống mức 1.800 – 2.000 đồng/quả. Giá trứng gà miền Trung giảm 100 đồng/quả xuống mức 1.600 – 2.000 đồng/quả. Giá trứng gà miền Đông Nam Bộ giảm 100 đồng/quả xuống còn 1.900 – 2.000 đồng/quả. Giá trứng gà miền Tây Nam Bộ giảm 100 đồng/quả, hiện ở mức 1.800 – 1.900 đồng/quả.