Những mặt hàng tiềm năng xuất khẩu sang Algeria

Algeria Thương Mại
15:45 - 07/04/2024
Những mặt hàng tiềm năng xuất khẩu sang Algeria
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tham tán thương mại Hoàng Đức Nhuận, cà phê, chè xanh, giày dép… là những mặt hàng tiềm năng xuất khẩu sang Algeria.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Algeria đạt 53,65 triệu USD, tăng 34,6% so với mức 39,8 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường này là cà phê với 46,55 triệu USD, thủy sản với 0,54 triệu USD, hạt tiêu với 0,4 triệu USD…

Nhận định về thuận lợi thị trường đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, trao đổi với Mekong ASEAN, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Ageria Hoàng Đức Nhuận cho biết, Algeria là đất nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào xuất khẩu dầu khí (chiếm đến 90% tổng kim ngạch xuất khẩu), các lĩnh vực khác chưa phát triển. Mặc dù Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế song nước này phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng, trong đó có 50% lương thực, thực phẩm. Tổng kim ngạch nhập khẩu nói chung khoảng 40 tỷ USD/năm.

Algeria hiện là một trong 5 nền kinh tế lớn nhất châu Phi (sau Nigeria, Nam Phi và Ai Cập) với GDP 2023 là 198 tỷ USD, dự trữ ngoại hối 85 tỷ USD. Dân số Algeria tương đối đông, khoảng 46 triệu người, GDP bình quân đầu người trên 4.300 USD với sức mua khá lớn. Khả năng thanh toán của doanh nghiệp nước này khá tốt. Sau khi sụt giảm đến hết 2021, giá dầu đã phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại từ năm 2022, trung bình khoảng đạt 85 USD/thùng góp phần tăng thu xuất khẩu và dự trữ ngoại tệ của quốc gia này.

Bên cạnh đó, Việt Nam - Algeria đã mở cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ tại thủ đô của nhau, góp phần hỗ trợ công tác thông tin, kết nối giao thương, thủ tục xuất nhập cảnh cho doanh nghiệp… Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh mà Algeria không sản xuất được nhất là nông sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, quế, thủy sản nước ngọt…

Người tiêu dùng Algeria chấp nhận hàng hoá phẩm cấp trung bình và giá rẻ, mẫu mã đa dạng không đòi hỏi cao về chất lượng. Một số hàng Việt Nam được người tiêu dùng Algeria ưa chuộng đã có chỗ đứng tại thị trường như cà phê, cá tra ba sa, hạt tiêu, cơm dừa, điều nhân, dệt may, da giày...

Việt Nam và Algeria có nền tảng mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp, người dân Algeria rất quý trọng Việt Nam và sẵn sàng giúp đỡ, mong muốn có quan hệ đối tác, thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương phát triển.

Dệt may hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: VGP

Dệt may hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: VGP

Thách thức cho doanh nghiệp Việt tại Algeria

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thị trường này vẫn có những thách thức đối với doanh nghiệp. Theo ông Nhuận, Algeria chưa phải là thành viên của WTO, hàng rào thuế quan vẫn rất cao, mang tính bảo hộ rõ rệt. Thuế nhập khẩu trung bình là 30%, thuế VAT 19%, thuế đoàn kết 2%, thuế khấu trừ 2% (trung bình 53%), nhiều mặt hàng chịu thuế tiêu thụ nội địa 10 - 30% và thuế phòng vệ bổ sung với tỷ suất từ 30% đến 200%.

Bên cạnh đó, nhằm giảm thâm hụt thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước, chủ trương của chính phủ Algeria trong mấy năm gần đây là hạn chế, hoặc cấm nhập khẩu những mặt hàng đã sản xuất được, tăng cường thu hút đầu tư, liên doanh liên kết để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng phi dầu lửa, đa dạng hóa nền kinh tế tránh phụ thuộc vào nguồn thu dầu lửa.

Mặc dù số các công ty tư nhân Algeria ngày một tăng, nhưng tiềm lực về vốn cũng như quy mô, kinh nghiệm kinh doanh còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa có website. Các doanh nghiệp Algeria vẫn có thói quen nhập khẩu qua trung gian do ngại rủi ro, thủ tục.

Trên thị trường Algeria, hàng Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa nhiều nước khác, đặc biệt là hàng Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... và hàng cùng loại của các nước có FTA với Algeria như EU, các nước vùng Vịnh.

Môi trường kinh doanh tại Algeria chưa thuận lợi. Chính sách thương mại hay thay đổi, mang tính bảo hộ, thời gian thanh toán của ngân hàng chậm, Algeria không cho chuyển tiền đặt cọc đối với việc nhập khẩu.

Ngôn ngữ giao dịch phần lớn được các doanh nghiệp Algeria sử dụng là tiếng Pháp, còn ngôn ngữ sử dụng tại tòa án và các văn bản pháp lý là tiếng Arab.

Hiện tại giá cước đi Algeria cao do tác động khủng hoảng tại Biển Đỏ với mức trung bình là 5.000 USD/công 20 feet. Hàng sau khi thông quan và kiểm định, nhà nhập khẩu mới mang chứng từ ra ngân hàng để chuyển tiền theo phương thức DP hay CAD (chiếm 85% hình thức thanh toán).

Những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng sang Algeria

Cà phê

Hiện nay Algeria phải nhập 100% lượng cà phê để phục vụ nhu cầu trong nước. Ước mỗi năm quốc gia này nhập khoảng 130.000 tấn cà phê hạt với trị giá 300 triệu USD. Cà phê được nhập khẩu dưới dạng thô nhân xanh (green bean) và được chế biến tại các nhà máy theo thị hiếu của người Algeria. Trong đó, cà phê robusta chiếm trên 85%.

Thuế nhập khẩu cà phê vào Algeria là 30%, VAT 19%, thuế tiêu thụ nội địa 10%, thuế đoàn kết là 2%, thuế khấu trừ 2%.

Hiện nay những thị trường chính cung cấp cà phê cho Algeria bao gồm Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Braxin, Italy và Uganda. Cà phê thô là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam sang Algeria, chiếm trên 50% thị phần. Năm 2023, xuất khẩu cà phê sang thị trường này đạt 69.061 tấn, kim ngạch 160,2 triệu USD.

Chè xanh

Kim ngạch nhập khẩu chè các loại của Algeria khoảng 50 triệu USD/năm, chủ yếu từ Trung Quốc. Thuế nhập khẩu chè xanh và chè đen là 30%, thuế khấu trừ 2%, thuế đoàn kết 2% và thuế VAT 19%.

Chè xanh chủ yếu tiêu thụ tại miền Nam của Algeria. Ngày nay, bên cạnh cà phê, nước chè được bán tại các phòng trà, quán cà phê và ngày càng trở thành đồ uống ưa chuộng đối với tầng lớp trẻ tại quốc gia này. Bên cạnh chè truyền thống uống cùng với bạc hà thì người dân ngày nay cũng ưa chuộng trà túi lọc với các thương hiệu quốc tế như Ahmad Tea và Lipton.

Giày dép

Algeria tiêu thụ khoảng 90 triệu đôi giày mỗi năm, mỗi người dùng trung bình 2 đôi trong khi sản xuất nội khối đạt 1 triệu đôi. Giày dép nhập khẩu của Algeria chiếm tới 95% thị trường với tổng giá trị 1,13 tỷ USD/năm. Các thương hiệu giày châu Âu, châu Mỹ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn.

Thuế nhập khẩu giày dép ở Algeria vẫn ở mức cao 53% (thuế nhập khẩu 30%, VAT 19%, thuế khấu trừ 2% và thuế đoàn kết 2%).

Tin liên quan

Đọc tiếp