Nhiều doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại lớn sau cơn bão số 3 (Yagi). |
Thông tin tại "Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3" tổ chức chiều ngày 20/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thống kê sơ bộ của NHNN có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 với hơn 83.400 khách hàng bị thiệt hại.
Khách hàng của các tổ chức tín dụng gồm doanh nghiệp, người dân tại 26 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do bão, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ hay không đáp ứng các điều kiện vay vốn. Một số địa phương có dư nợ thiệt hại lớn gồm Yên Bái chiếm hơn 18,5% tổng dư nợ của địa phương, theo sau là Hà Nội (khoảng 11%), Hải Phòng (10,7%), Hải Dương (8,6%) Quảng Ninh (7%),...
Trước tình hình trên, NHNN đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão và thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định hiện hành.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. |
Các ngân hàng đồng loạt miễn, giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại sau bão số 3
Thông qua hội nghị, 16 ngân hàng thương mại đã báo cáo các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Phần lớn các nhà băng đều giảm 0,5-2% lãi suất cho cá nhân và hộ kinh doanh vay vốn chịu thiệt hại vì bão, áp dụng đến hết năm nay.
Đơn cử như Agribank đang giảm 0,5-2% một năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến hết năm nay. Với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9 đến 31/12, khách hàng cũng được giảm 0,5% lãi suất cho một năm.
Vietcombank cũng giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, áp dụng cho dư nợ hiện hữu và vay mới từ 6/9 đến hết năm nay. Ngân hàng này ước tính gần 25.500 khách hàng với tổng dư nợ 160.000 tỷ được hạ lãi suất.
Tương tự, BIDV vừa ban hành gói tín dụng 200.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân phục hồi kinh doanh, sản xuất sau bão, gồm cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường 0,5-2% một năm.
Ông Đoàn Việt Nam - Phó Tổng Giám đốc BIDV: "Đến ngày 20/9, BIDV xác định được hơn 1.000 khách hàng cá nhân và tổ chức tại 40 chi nhánh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với dư nợ trên 40.000 tỷ đồng". |
Về phía các ngân hàng tư nhân, một số ngân hàng đã giảm đến 50% tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ. Cụ thể, SHB đã triển khai chương trình hỗ trợ bình quân 50% lãi suất phải trả từ 1/9 đến 31/12/2024. Khách hàng chịu thiệt hại nặng, gặp khó khăn trong khôi phục sản xuất có thể được hỗ trợ đến 100% lãi suất phải trả trong 4 tháng cuối năm.
TPBank cũng giảm tối đa 50% số tiền lãi phải trả hiện tại cho khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng do bão, lũ. Chương trình áp dụng từ nay đến hết tháng 10 với hạn mức lên tới 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng này cho biết sẽ giữ cố định mức lãi suất giảm này đến ngày 31/1/2025.
Tại Sacombank, ngoài giảm đến 2% một năm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu hoặc dư nợ mới, nhà băng cũng giảm thêm 50% phí dịch vụ và miễn phí tất toán trước hạn.
Không chỉ nhà băng trong nước, ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới khách hàng bị ảnh hưởng do bão. Mức giảm lãi suất tối đa 1% với doanh nghiệp và đến 1,5% với khách hàng cá nhân.
Trước các báo cáo trên, Phó Thống đốc đề nghị, cần nghiêm túc thực hiện các chính sách đã đề ra và cam kết, trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện đồng bộ theo hệ thống từ trụ sở chính đến các chi nhánh. Các chính sách phải được bảo đảm triển khai một cách công khai, minh bạch. Thể hiện rõ sự đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống ngân hàng, tuy nhiên phải lưu ý kiểm tra, ngăn chặn hành vi sai phạm trong nội bộ.
"Trong lúc khó khăn, các ngân hàng càng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, nói thật làm thật, tránh tình trạng vay ưu đãi chỉ thấy trên tivi," lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Quyết liệt triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Kết luận hội nghị, ông Đào Minh Tú cho biết, trong nhiều năm qua, ngành ngân hàng luôn đồng hành với khách hàng trong giai đoạn khó khăn và trong công tác phục hồi, xây dựng và kiến thiết lại cuộc sống. Phó Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục đánh giá những thiệt hại, có báo cáo thống kê xác thực trong thời gian sớm nhất và có văn bản chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố để triển khai ngay các chương trình, gói tín dụng hỗ trợ đã xây dựng, bảo đảm sớm đưa vào cuộc sống.
Cần phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc giám sát các chi nhánh, phòng giao dịch trong quá trình triển khai thực hiện các gói tín dụng. Quan tâm, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, tăng cường công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm được các cơ chế, chính sách ngân hàng triển khai.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, NHNN yêu cầu triển khai ngay các chính sách đã ban hành đến tay người dân tại các địa phương bị thiệt hại bởi bão, lũ. Phó Thống đốc nhấn mạnh, Ngân hàng Chính sách xã hội có đối tượng khách hàng chủ yếu là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chịu ảnh hưởng lớn từ hậu quả của cơn bão số 3, do vậy, vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai các gói tín dụng hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ là vô cùng quan trọng.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, cần khẩn trương tổng hợp, thống kê, đánh giá kịp thời những thiệt hại của khách hàng để báo cáo kịp thời với ban lãnh đạo NHNN. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tốt các gói hỗ trợ được các tổ chức tín dụng cam kết triển khai trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối chỉ đạo của địa phương để phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả.
Đối với các vụ, cục thuộc NHNN, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, cần chủ động nắm bắt, theo dõi tình hình từ tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để đề xuất, tham mưu chính sách kịp thời với ban lãnh đạo NHNN.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tin tưởng, với sự quyết tâm của toàn ngành ngân hàng, sự phối hợp, chia sẻ cùng các bộ, ban, ngành địa phương trong triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ngành ngân hàng phấn đấu bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm là khoảng 15%, qua đó góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 Chính phủ đã đặt ra là khoảng 7%.