Phúc Long nằm trong chiến lược Point of Life (POL, phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu trên một nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online) của Masan. |
Masan nhắm đến Phúc Long từ đầu năm 2021 khi thương hiệu đồ uống này được tích hợp vào các siêu thị VinMart (hiện đã đổi tên thành WinMart). Sau đó không lâu (tháng 5/2021), Masan chính thức đầu tư vào Phúc Long với khoản 15 triệu USD, đổi lấy 20% vốn cổ phần. Từ đây, định giá của công ty sản xuất và vận hành chuỗi trà – cà phê tương ứng 75 triệu USD.
Để nâng tỷ lệ sở hữu 51% như hiện tại, Masan cho biết đã bỏ thêm 110 triệu USD cho 31% cổ phần; tương ứng định giá vốn cổ phần Phúc Long là 355 triệu USD, khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Định giá này tương ứng mức P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022. Như vậy ước tính, lợi nhuận trong năm nay của Phúc Long sẽ xấp xỉ 500 tỷ đồng. Đây là con số khủng đối với ngành F&B, bởi ngay cả Highlands Coffee trong năm đỉnh cao cũng chỉ lãi khoảng 100 tỷ đồng sau thuế.
Thực tế, Phúc Long là tên tuổi lâu đời trong ngành trà - cà phê Việt Nam khi hình thành từ năm 1968 ở “xứ sở trà” Bảo Lộc – Lâm Đồng. Tuy nhiên phải đến năm 2012, họ mới bắt đầu nghĩ đến việc chế biến thành thức uống để bán cho khách hàng thay vì chỉ bán nguyên liệu như trước kia.
Mặc dù vậy, Phúc Long chưa được biết đến nhiều cho đến năm 2019, khi ồ ạt khai trương cửa hàng trên khắp cả nước. Với số lượng hơn 80 cửa hàng thời điểm tháng 2/2021, đã có nhiều ông lớn đánh tiếng mua Phúc Long nhưng cuối cùng chỉ Masan thành công.
Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua “nền tảng” phục vụ chiến lược chung của Masan. Nền tảng ở đây có thể là công nghệ tốt, giúp tạo ra sản phẩm tốt nhất với giá hợp lý phục vụ người tiêu dùng; nền tảng cũng có thể là mạng lưới phân phối sẽ giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam.
Kể từ khi nhận đầu tư của Masan, Phúc Long tiếp tục ồ ạt khai trương các cửa hàng mới, chủ yếu là kiosk bên trong WinMart (từ 2 lên 624). Hiện Phúc Long có 721 cửa hàng lớn nhỏ – đứng đầu về số lượng tại Việt Nam trong mảng F&B; đồng thời bỏ xa Highlands Coffee (gần 450 cửa hàng).
“Với các cửa hàng thí điểm mang lại kết quả khả quan, Masan tự tin rằng mô hình mini-mall thu hút khách hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số và giảm doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn, từ đó gia tăng lợi nhuận. Kể từ khi nhận được khoản đầu tư ban đầu của Masan, Phúc Long thể hiện sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược POL. Chiến lược này giờ đây sẽ tăng tốc hơn nữa khi Phúc Long trở thành công ty thành viên của Masan", đại diện Masan cho biết.
Việc mở rộng chuỗi cửa hàng đã giúp Phúc Long tăng trưởng mạnh về doanh thu trong giai đoạn 2018-2020. Như năm 2019 ghi nhận 779 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2016; dẫn đầu trong ngành trà sữa. Mặc dù vậy, lợi nhuận thu về lại khá mỏng, nhiều nhất cũng chỉ đạt 20 tỷ đồng. Về mặt này, Phúc Long có phần khá tương đồng với chuỗi siêu thị Vinmart – thương vụ thâu tóm đình đám của Masan gần đây.
Vinmart là hệ thống bán lẻ do VinCommerce của Vingroup phát triển. Ngay khi mới hoạt động, VinCommerce đã chiếm lĩnh thị phần phân phối lớn nhất với gần 3.000 cửa hàng Vinmart và Vinmart+ trên khắp cả nước. Đạt thành tích về số lượng và doanh thu nhưng VinCommerce lại là một “cỗ máy đốt tiền” khi liên tục lỗ, con số lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Cuối năm 2019, Masan công bố sáp nhập VinCommerce vào một công ty thành viên của mình là Masan Consumer. Sau đó, The CrownX được thành lập với nhiệm vụ tái cấu trúc và chuẩn bị cho lộ trình phát triển mới của VinCommerce và Masan Consumer.
Với mô hình bán lẻ mini-mall, đáp ứng đa dạng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng với hệ sinh thái tích hợp VinMart+, Techcombank, kiosk Phúc Long, dược phẩm Phano và mạng di động Reddi; chiến lược của The CrownX đã chứng minh hiệu quả khi quý 3/2021, lần đầu tiên VinCommerce đạt lợi nhuận thuần sau thuế dương, sau 7 quý được Masan mua lại.
Trong năm 2021, The CrownX đóng góp 65% doanh thu cho Masan, đạt 58.000 tỷ đồng. Nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp này đang được Masan chuẩn bị IPO trên sàn quốc tế với mục tiêu lọt TOP 50 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới. Hiện VinCommerce đã đổi tên thành WinCommerce; hệ thống bán lẻ VinMart cũng được đổi tên thành WinMart.
"Tay chơi" M&A
Trước Phúc Long, VinCommerce, Masan cũng đã thực hiện nhiều thương vụ M&A khác. Trong đó, kỳ công nhất phải kể đến là VinaCafe Biên Hòa (VCF). Thực chất trước khi bị Masan thâu tóm năm 2011, thương hiệu café này đang làm ăn rất tốt, không có dấu hiệu thiếu vốn. Vì vậy, Masan không thể thâu tóm VCF thông qua con đường “kinh điển” tạo thua lỗ triền miên khiến đối tác không đủ lực chịu lỗ rồi bán lại cổ phần.
Để tranh quyền chi phối VCF, Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang phải “đi đường vòng” qua việc mua lại cổ phần từ cổ đông lớn của công ty này. Ngay trước khi VCF niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM ngày 28/1/2011, Masan đã có trong tay 20% vốn điều lệ VinaCafe Biên Hòa nhờ mua lại cổ phần từ tay các cổ đông lớn là VinaCapital, VF1, Quỹ Vietcombank, Vietnam Holding.
Liên tiếp sau đó, Masan mua lại cổ phần từ các cổ đông lớn và nhanh chóng đạt sở hữu 50,11% vốn điều lệ của VCF vào ngày 11/10/2011. Sau khi hoàn tất thâu tóm, Masan vẫn muốn tăng quyền lực của mình tại công ty ăn nên làm ra này bằng cách tiếp tục mua thêm cổ phần và đến nay đã sở hữu 98,79%.
Sau khi có sự đồng hành của Masan, tình hình kinh doanh của VinaCafe Biên Hòa tiếp tục lên như diều gặp gió. Lợi nhuận từ mức 211 tỷ đồng năm 2011 đã vươn lên 721 tỷ đồng năm 2020. Không những vậy, thị giá của VCF trên sàn chứng khoán cũng tăng chóng mặt. Từ mức giá chào sàn là 50.000 đồng/cp, VCF trở thành cổ phiếu “nóng”, được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm sau khi về tay Masan. Hiện tại mã giao dịch ở mức giá 235.000 đồng, vốn hóa doanh nghiệp khoảng 6.500 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những mã chứng khoán "giữ" được thị giá cao lâu nhất.
Một thương vụ M&A đình đám khác của Masan là thâu tóm Nước khoáng Vĩnh Hảo. Đó là năm 2013, khi Masan Consumer (MCH, công ty con của Masan) có ý định lấn sân vào lĩnh vực nước giải khát. Thương vụ này khiến người ta trầm trồ vì Masan chi tới 85.000 đồng cho một cổ phần. Đồng nghĩa với việc định giá Vĩnh Hảo ở mức gần 700 tỷ đồng, gấp hơn 50 lần lợi nhuận sau thuế năm 2012. Với Vinacafe Biên Hòa, Masan cũng chỉ định giá gấp 10 lần lợi nhuận sau thuế năm 2011.
Việc Masan “chơi lớn” như vậy không phải là phút bốc đồng. Bởi khi đó công ty đang ôm mộng trở thành công ty nước khoáng nội địa lớn nhất Việt Nam. Bằng chứng là sau đó, năm 2015, Masan tiếp tục mua lại Công ty Cổ phần Nước khoáng Quảng Ninh. Hiện, tỷ lệ nắm giữ của Masan ở hai công ty này là 90,18% và 65,85%.
Mặc dù kết quả kinh doanh của Nước khoáng Vĩnh Hảo và Nước khoáng Quảng Ninh đều có sự tăng trưởng đáng kể sau khi M&A nhưng giấc mộng của Masan vẫn chưa thể trở thành sự thật. Bởi thị trường nước khoáng đóng chai vẫn kém sôi động, bị các công ty đa quốc gia cạnh tranh khốc liệt.