PNJ, Hoàng Anh Gia Lai và loạt doanh nghiệp sớm cán đích lợi nhuận năm

PNJ HAGL
15:27 - 26/12/2022
Chuối là một trong các sản phẩm chiến lược giúp HAG phục hồi sau nhiều năm kinh doanh khó khăn.
Chuối là một trong các sản phẩm chiến lược giúp HAG phục hồi sau nhiều năm kinh doanh khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
2022 là năm thách thức với các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều biến động gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều công ty bứt phá ngoạn mục, sớm cán đích lợi nhuận, thậm chí vượt kế hoạch gấp chục lần.

Ngoạn mục nhất phải kể đến là CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG). Theo kết quả kinh doanh 11 tháng, công ty đã hoàn thành 99% kế hoạch lợi nhuận năm 2022 với lợi nhuận sau thuế đạt 1.115 tỷ đồng. Năm nay, HAG đặt mục tiêu doanh thu 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.120 tỷ đồng.

Theo HAGL, nguyên nhân giúp doanh nghiệp cán đích lợi nhuận sớm là nhờ giá chuối tăng cao trở lại. Hiện, giá chuối đã tăng 25% so với tháng 9/2022, lên 11 USD/thùng 13kg. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ thịt heo của thị trường tăng cao cũng đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Hồi tháng 9, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAG) từng chia sẻ, công ty đã thoát cửa tử và bước sang trang mới sau quá trình 10 năm mày mò làm nông nghiệp. Theo ông, Hoàng Anh Gia Lai tự tin với những kế hoạch đã đặt ra. Hiện công ty này hoàn thiện 9 cụm chuồng trại để duy trì nuôi hơn 27.000 con heo nái sinh sản và 600.000 con heo thịt xuất chuồng mỗi năm.

Trong số các doanh nghiệp kinh doanh khởi sắc năm 2022, HAG được đánh giá cao bởi những năm trước đó, công ty này ngập trong thua lỗ và nợ nần, lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2021 lên tới gần 4.500 tỷ đồng.

CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) có một năm kinh doanh thuận lợi sau năm 2021 về đích không như mong muốn. Năm 2022, PNJ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu thuần 32,2%, tương ứng hơn 25.834 tỷ đồng và lãi ròng tăng trưởng 28,2%, tương ứng hơn 1.319 tỷ đồng.

Chỉ sau 10 tháng, doanh nghiệp vàng bạc đá quý duy nhất trên sàn đã cán đích lợi nhuận, với doanh thu thuần cùng lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 28.535 tỷ đồng (tăng 95,5% so với cùng kỳ) và 1.487 tỷ đồng (tăng 118,2% so với cùng kỳ). 11 tháng, doanh thu thuần của PNJ đạt 31.063 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.639 tỷ đồng, vượt 24% so với kế hoạch đề ra.

Theo PNJ, biên lợi nhuận gộp trung bình lũy kế 11 tháng đạt 17,4% so với mức 18,4% cùng kỳ do sự thay đổi cơ cấu hàng bán và sự ảnh hưởng của lạm phát. Tổng chi phí hoạt động lũy kế 11 tháng tăng 64% so với cùng kỳ, tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp đạt 58,4%, giảm so với mức 62,5% cùng kỳ 2021 nhờ những nỗ lực tối ưu hoá vận hành.

Tổng Công ty Viglacera (mã chứng khoán VGC) vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 9 tháng đầu năm. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, VGC đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.700 tỷ đồng. Kết thúc quý 3, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.313 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.710 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 51% và 104% so với 9 tháng đầu năm 2021.

11 tháng đầu năm, VGC cho biết lợi nhuận hợp nhất toàn tổng công ty đạt 127% kế hoạch năm và vượt 59% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận công ty mẹ đạt 132% kế hoạch năm.

Theo giải trình của Viglacera sau báo cáo tài chính quý 3, lợi nhuận công ty tăng vọt là nhờ lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, đóng góp chính vào mức tăng trưởng lợi nhuận của tổng công ty. Lĩnh vực vật liệu xây dựng tăng trưởng mạnh do Viglacera hợp nhất báo cáo tài chính của công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ sau khi nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 65% kể ngày ngày 1/10/2021, đóng góp chung vào mức tăng trưởng lợi nhuận của toàn công ty.

Trong các lĩnh vực thì ngành phân bón và dầu khí gặp nhiều thuận lợi nhất trong năm 2022. Nhờ xuất khẩu phân bón và giá thành tăng mạnh nên các doanh nghiệp lớn trong ngành này đều cán đích lợi nhuận từ quý 3.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã DPM) ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 4.460 tỷ đồng sau 9 tháng. Mức lãi này gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kế hoạch cả năm gần 30%.

Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM) báo lãi hơn 3.270 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ 2021. Đặt kế hoạch lợi nhuận chỉ hơn 510 tỷ đồng nên sau 9 tháng, công ty này đã vượt kế hoạch cả năm đến 6,4 lần.

Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lãi hơn 5.400 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, gấp khoảng 3 lần kế hoạch cả năm.

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) báo lãi 9 tháng gần 4.920 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm nay hơn 40%.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón tăng trưởng kỷ lục phần lớn nhờ vào mức đỉnh trong quý 2/2022. Diễn biến giá phân bón trở thành yếu tố chi phối chính đến lợi nhuận ngành này. Từ đầu năm đến nay, giá nhiều mặt hàng có điều chỉnh giảm so với mức đỉnh nhưng vẫn neo ở mức cao.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu tốt cũng góp phần tích cực cho việc tăng mạnh lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này. Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm, tổng lượng xuất khẩu phân bón đạt gần 1,39 triệu tấn với kim ngạch 886 triệu USD, vượt kết quả của cả năm 2021 từ hồi tháng 6.

Đối với các doanh nghiệp dầu khí, giá dầu tăng chính là động lực để bứt phá về kết quả trong năm 2022. Nhiều công ty cũng cán đích lợi nhuận năm từ sớm.

CTCP lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất ghi nhận kết quả vượt trội nhất. 9 tháng năm 2022, BSR đạt doanh thu thuần 126.717 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế hơn 12.899 tỷ đồng, tăng 223%. Theo kế hoạch cả năm 2022 đề ra là tổng doanh thu 91.678 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.295 tỷ đồng thì chỉ sau 9 tháng, BSR đã có lãi gấp 10 lần.

Tổng công ty khí Việt Nam (mã GAS) trong 9 tháng đạt doanh thu 78.671 tỷ đồng, tăng 34% và lợi nhuận sau thuế 11.726 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước; vượt 66% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, mã OIL) trong 9 tháng đạt doanh thu thuần 79.617 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm ngoái và lãi sau thuế hơn 431 tỷ đồng. Mặc dù lỗ gần 400 tỷ đồng trong quý 3/2022 nhưng chỉ sau 9 tháng, PV OIL đã vượt 77% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 8% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Trong số các doanh nghiệp trên sàn về đích sớm còn có 2 đại diện đến từ ngành ngân hàng. Đó là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã EIB) với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm 2022 (2.500 tỷ đồng).

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã LPB) đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.822 tỷ đồng, tăng 72% so với 9 tháng đầu năm 2021 và vượt kế hoạch đặt ra (4.800 tỷ đồng).

Tin liên quan

Đọc tiếp