Tại phiên bế mạc, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày trước Quốc hội dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung trên cơ sở xem xét báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trong khuôn khổ kỳ họp.
Sau phần trình bày này, Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi với 424/426 phiếu tán thành và 2/426 phiếu không tán thành.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường |
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội thông qua có quy mô gần 350 nghìn tỷ bao gồm 3 nhóm giải pháp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách khác.
Về chính sách tài khóa, dự thảo đề xuất 4 nội dung: miễn giảm thuế, tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động dự kiến khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 và tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay.
Gói miễn giảm thuế bao gồm giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (trừ một số nhóm hàng hóa dịch vụ đã quy định rõ). Ngoài ra, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Gói chi đầu tư phát triển 176 nghìn tỷ dự kiến phân bổ cho nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực y tế (khoảng 14 nghìn tỷ); đảm bảo an sinh xã hội, lao động, việc làm (8,15 nghìn tỷ); hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (40 nghìn tỷ gói hỗ trợ lãi suất 2%/ năm và tối đa 300 tỷ cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch); gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (113,55 nghìn tỷ).
Về chính sách tiền tệ, đề xuất sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, đề xuất nghiên cứu giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Ngoài ra, tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động.
Về các chính sách khác, dự kiến chi 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó sử dụng 1 nghìn tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Ngoài ra, sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi với 424/426 phiếu tán thành |
Về phương án huy động nguồn lực, dự thảo Nghị quyết đề xuất cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng). Trong đó, dự kiến năm 2022 tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định.
Nhu cầu nguồn lực được tính toán cụ thể trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương và khả năng giải ngân để xây dựng phương án huy động phù hợp từng thời điểm thông qua các công cụ phát hành trái phiếu Chính phủ, vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách.
Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết, cho phép phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cho ý kiến thông qua dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, 426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, tương đương 85,37% tổng số đại biểu.
Trong đó, 424 đại biểu tán thành, tương đương 84,97% số đại biểu. 2 đại biểu không tán thành, tương đương 0,4% số đại biểu. Như vậy, đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết đồng ý thông qua chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi.