Rút bảo hiểm xã hội một lần đang là 'thực trạng day dứt'

BẢO HIỂM Xã hội
14:58 - 19/09/2023
0:00 / 0:00
0:00
Hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung rút BHXH một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Song, quan điểm của cơ quan soạn thảo là bất kể chọn phương án nào nhưng phải đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Trong khuôn khổ Chuyên đề 2 "Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới" của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, chính sách bảo hiểm xã hội là một trong những nội dung được đưa ra để các đại biểu tham gia góp ý.

Điều phối phiên thảo luận, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đặt vấn đề, chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. Phát triển bảo hiểm xã hội sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Ông Nguyễn Đức Hiển đề nghị ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ, đâu là những định hướng và chính sách lớn của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)?

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Thông tin thêm về chính sách bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, vấn đề rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần là "một thực trạng rất day dứt".

Giai đoạn 2016 - 2022, số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần lên đến 3,5 triệu người. Số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (70%), Thứ trưởng thông tin.

Nguyên nhân mà ông Nguyễn Văn Hồi đưa ra là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của BHXH trong bảo đảm an sinh xã hội của cả cuộc đời. Tiếp đó, một bộ phận người lao động có hoàn cảnh khó khăn, có thu nhập thấp nên khi cần một khoản tài chính giải quyết vấn đề của mình thì họ đã rút bảo hiểm.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về BHXH. Bên cạnh đó, cần có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của BHXH; các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt.

Đồng thời, cần có cơ chế chính sách để người lao động có thể tiếp cận nguồn vốn tạm thời khi khó khăn; giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu… cũng như tăng cường thêm các chế độ hỗ trợ khác cho người lao động như chế độ thai sản, ốm đau, các chính sách hỗ trợ khác để họ tham gia BHXH một cách rộng rãi hơn.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi (giữa) trong phiên thảo luận.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi (giữa) trong phiên thảo luận.

Chia sẻ về chính sách rút BHXH một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Dự án luật có 5 nhóm chính sách lớn và 11 vấn đề mà Chính phủ đã trình.

Ủy ban đã tiến hành thẩm tra nội dung này tại phiên họp lần thứ 10 vừa qua. Tuy nhiên với các chính sách này, cần làm rõ đâu là chính sách thể chế hóa Nghị quyết, đâu là giải pháp tình thế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung rút BHXH một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Cơ quan soạn thảo đang lắng nghe, tiếp thu các ý kiến này. Quan điểm của Ủy ban Xã hội là bất kể chọn phương án nào nhưng phải đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

"Phải đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động. Còn việc rút bao nhiêu, một lần hay nhiều lần thì cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, ngoài giải pháp trực tiếp là sửa luật thì có giải pháp gián tiếp là cơ chế tín dụng, chính sách bảo đảm việc làm ổn định để đáp ứng yêu cầu, giải quyết bài toán cho việc rút bảo hiểm một lần hiện nay.

Đọc tiếp