Ảnh minh họa |
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu đến 2030 Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và đến 2050, trở thành nước phát triển thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Việt Nam chú trọng phát triển nền công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và giá trị toàn cầu, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, nhất là điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học...
Tại Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 vừa diễn ra ngày 26/3, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam nhận định: “Sự ổn định về chính trị, xã hội với thị trường hơn 100 triệu dân, một Chính phủ kiến tạo với các chính sách quyết liệt và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm hội nhập quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi số, nhiều địa phương thực hiện chiến lược “xây tổ đón đại bàng” đã và đang tạo ưu thế đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới.”
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng đăng ký cấp mới đã có 644 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 23,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,77 tỷ USD (tăng 57,9% so với cùng kỳ). Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Vốn đầu tư nước ngoài rót vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 287,5 tỷ USD, chiếm 60,4% tổng vốn đầu tư.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông khẳng định: “Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước.
Theo đó ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nghiên cứu và phát triển... Trong đó, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh cũng là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay.”
Hút “đại bàng” công nghệ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGMF2024 |
Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, lĩnh vực sản xuất điện tử, chíp bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và đang được lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương rất quan tâm.
Thứ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo và giao các bộ, ngành, trong đó có Bộ KH&ĐT triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, Bộ KH&ĐT chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư.
Năm 2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), trực thuộc Bộ KH&ĐT đã được thành lập nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế với 8 lĩnh vực trọng tâm, gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, hydrogen và y tế.
Trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, NIC đã ký hợp tác với 2 tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.
Bên cạnh những cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết giao Chính phủ xây dựng nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn.
Đặc biệt, Thứ trưởng Đông cho biết, tại các địa phương cũng đã sẵn sàng những điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư vào ngành công nghệ. Các địa phương đã tích cực chuẩn bị từ hạ tầng đất đai, sẵn sàng mặt bằng sạch, cho đến hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay, hay các dịch vụ về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân...
”Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là rất đúng đắn, kịp thời để chúng ta có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành điện tử, bán dẫn toàn cầu”, Thứ trưởng Đông khẳng định.
Thách thức nảy sinh cơ hội
Hơn 30 năm kể từ khi mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhiều “ông lớn” trong ngành công nghệ đã có mặt tại Việt Nam như Bosch, Microsoft, Samsung, LG, Panasonic, Intel, Foxconn… Vài năm gần đây, nhiều tên tuổi khác trong chuỗi sản xuất thông minh cũng đã tìm đến Việt Nam như ASML, Amkor, Lam Research, Seojin, Infineon Technologies AG, Victory Giant Technology, Synopsys, BOE…
Đặc biệt, việc trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga đã thực sự đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trên bình diện kinh tế thế giới.
“Việt Nam, với vai trò là mắt xích sản xuất mới của châu Á, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu”. Đó là nhận định dưới góc độ nhà đầu tư của ông Petel Wu, Tổng Giám đốc Công ty Sunrise Big Data.
Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế: “Chuyển dịch chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu là một xu thế đã nổi lên rất rõ và không thể phủ nhận được. Vì vậy, Việt Nam phải chủ động đón nhận các dòng đầu tư mà chúng ta mong muốn.”
Việc thu hút các dự án FDI đầu tư chất lượng và công nghệ cao giúp Việt Nam dần tiếp thu được các công nghệ tiên tiến, phù hợp với trình độ và nhu cầu hiện nay. Giờ đây, Việt Nam phải chủ động hợp tác, chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài để các bên cùng có lợi và mang lại những hiệu quả cao nhất cho đất nước trong giai đoạn tới.
Chia sẻ với Mekong ASEAN bên lề sự kiện, ông Trương Tiểu Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiết bị hiển thị Tomko (Trung Quốc), Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Đông tại Việt Nam, cho biết Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, tình hình chính trị ổn định và môi trường đầu tư tốt đem đến nhiều cơ hội.
Theo ông Cường, hiện nay chuỗi cung ứng của Việt Nam chưa được hoàn thiện. Phần lớn nguyên vật liệu đều phải nhập khẩu, dẫn đến chi phí sản xuất cao, thêm vào đó là sự thiếu hụt nhân lực có trình độ… là những yếu tố có thể làm chậm quy trình sản xuất của các nhà đầu tư.
Lấy ví dụ về sản phẩm tai nghe Apple, nếu sản xuất ở Trung Quốc đã có sẵn từ khâu thiết kế, nguyên vật liệu, làm khuôn… với đầy đủ dây chuyền sản xuất, nhà cung ứng. Vì vậy, từ ý tưởng ban đầu cho đến khi sản phẩm ra thị trường thời gian rất ngắn, việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất giúp nhà đầu tư chớp được thời cơ thị trường. “Giá trị của thị trường là rất lớn”, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cho rằng, ở bất kỳ lĩnh vực nào, nếu có một hệ sinh thái chuỗi cung ứng đầy đủ từ đầu đến cuối sẽ hoàn thiện được hệ thống sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, chính bởi sự thiếu hụt, chưa hoàn thiện đó, thách thức sẽ làm nảy sinh nhiều cơ hội kinh doanh mới.