Bãi rác chứa đầy rác thải nhựa tại Hikkaduwa, Sri Lanka. Ảnh: IUCN Sri Lanka |
Trên thực tế, chính phủ Sri Lanka đã có nhiều động thái cấm rác thải nhựa bảo vệ môi trường từ nhiều năm trước đó. Cụ thể, túi nilon không phân hủy sinh học đã bị chính phủ nước này cấm từ năm 2017 do các lo ngại về môi trường, đặc biệt là lũ quét. Tới năm 2021, chính phủ Sri Lanka tiếp tục cấm nhập khẩu dao nĩa nhựa, giấy gói thực phẩm và đồ chơi.
Tuy nhiên, vấn đề ngộ độc rác thải nhựa dùng một lần ở động vật hoang dã không được cải thiện nhiều do việc sản xuất, buôn bán và sử dụng các sản phẩm nhựa trong nước vẫn tiếp diễn.
Do đó theo AFP trích dẫn người phát ngôn nội các và bộ trưởng truyền thông Sri Lanka Bandula Gunawardana ngày 14/2, chính phủ quốc gia này sẽ cấm hoàn toàn việc sản xuất hoặc bán các mặt hàng nhựa sử dụng một lần như dao kéo, bình lắc cocktail và hoa giả trong nước. Ông Bandula cũng cho biết chính sách này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6 năm nay.
Động thái này được đưa ra sau khi chính phủ ghi nhận hàng loạt các vụ việc voi và hươu chết ở phía đông bắc do kiếm ăn ở các bãi rác lộ thiên. Qua kết quả khám nghiệm tử thi, các nhà khoa học xác định được những con vật này chết do ăn nhựa trộn với rác thải thực phẩm, từ đó dẫn tới ngộ độc.
Phản ứng lại với chính sách môi trường mới của chính phủ, nhiều người dân và các tổ chức môi trường đã thể hiện thái độ ủng hộ nhiệt liệt, đặc biệt là ông Jayantha Jayewardene – một trong những nhà nghiên cứu về voi hàng đầu tại Sri Lanka. Tuy nhiên, ông cho biết lệnh cấm này cũng nên được mở rộng đối với cả những chiếc túi nilon phân hủy sinh học.
Giải thích cho nhận định của mình, ông cho biết những chiếc túi nilon này đang xâm nhập vào chuỗi thức ăn của voi và động vật hoang dã và “đây không phải là điều tốt". Điều này càng đặc biệt cấp bách khi voi vốn được coi là linh thiêng và được pháp luật bảo vệ ở Sri Lanka.
Tuy nhiên mỗi năm vẫn có khoảng 400 con voi và thậm chí khoảng 50 người chết do xung đột giữa người và voi gần các khu bảo tồn động vật hoang dã. Ngoài nguyên nhân này, còn một nguyên nhân khác chính là do môi trường sống bị thu hẹp dẫn tới việc các con voi buộc phải tấn công các ngôi làng để tìm kiếm thức ăn hoặc phải trải qua cái chết đau đớn do tìm kiếm thức ăn tại các bãi rác chứa đầy rác thải nhựa.