Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 2, SSI cho biết, tín hiệu tích cực ở tháng 1 được duy trì và VN-Index tạm thời tiếp cận vùng kháng cự ngắn hạn 1.205-1.210 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và ADX ở trung hạn cho thấy tín hiệu sức mạnh xu hướng ở mức trung tính.
Theo đó, VN-Index khả năng sẽ có mức giao động trong vùng 1.160 – 1.210 trong những phiên giao dịch nửa cuối tháng 2 với trạng thái giằng co thường xuyên. Vùng hỗ trợ 1.127-1.130 điểm là vùng hỗ trợ mạnh trên VN-Index. “Trường hợp thị trường điều chỉnh, nhà đầu tư cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index giữ được vùng này và ngược lại nên đưa danh mục về trạng thái an toàn nếu chỉ số không giữ được”, đơn vị phân tích nhận định.
Nhìn về lịch sử, SSI thực hiện thống kê mức tăng của VN-Index theo tháng kể từ khi niêm yết để quan sát khả năng tiếp tục đi lên của VN-Index nếu tăng điểm trong tháng 1. Kết quả tính toán trong giai đoạn 2021 – 2023 thể hiện rõ trong 23 năm qua, có tổng cộng 13 lần chỉ số tăng điểm vào tháng 1. Đồng thời, trong 13 kỳ quan sát trên có đến 10 lần VN-Index duy trì quán tính tăng trong tháng 2, chiếm xác suất khoảng 77%.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư cần sẵn sàng cho các “nhịp lùi lành mạnh” của thị trường để điều tiết cung cầu (P/E ước tính cho năm 2024 vẫn hấp dẫn trong dài hạn khi duy trì ở mức 10,3 lần - thấp hơn đáng kể so với mức 13,8 lần bình quân 5 năm gần nhất).
Các yếu tố rủi ro cho sự điều chỉnh của thị trường gồm có: Xuất khẩu và tiêu dùng trong nước phục hồi chậm hơn kỳ vọng, khó khăn của ngành bất động sản và tác động gián tiếp lên các ngành khác, lạm phát và lãi suất cao ở Mỹ và châu Âu kéo dài hơn dự kiến và căng thẳng địa chính trị leo thang.
Tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 4/2023 theo ngành. Nguồn: SSI |
Theo SSI, phục hồi và tăng trưởng vẫn sẽ là 2 câu chuyện chính dòng tiền sẽ tìm đến trong giai đoạn tới, đặc biệt với môi trường lãi suất thấp rất trong nước và rủi ro suy thoái từ các nền kinh tế lớn có phần dịu bớt.
Các chủ đề đầu tư nhà đầu tư có thể dựa vào để tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn đầu năm gồm: Nhóm doanh nghiệp có trạng thái kinh doanh đã tạo đáy hồi phục và giá cổ phiếu hồi chậm hơn mặt bằng chung; nhóm duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững ở hoạt động cốt lõi; thông tin trong mùa ĐHCĐ với kế hoạch tăng vốn/kế hoạch kinh doanh mở rộng của các doanh nghiệp sau phục hồi; nhóm doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ chính sách tiền tệ/tài khóa hỗ trợ của Chính phủ và các bộ luật mới đang dần hoàn thiện.
Danh mục khuyến nghị tháng 2, SSI đề xuất tiếp tục nắm giữ với HAH, PVT và thêm mới các mã DPR, QNS và VCI.
DPR (Cao su Đồng Phú): Giá cao su tự nhiên tăng 8% so với đầu năm trong tháng 2/2024. SSI kỳ vọng giá bán trung bình của DPR tăng 8% so với cùng kỳ trong năm 2024. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ tăng 6% nhờ sự phục hồi thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 của công ty dự kiến lần lượt đạt 506 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) và 282 tỷ đồng (tăng 12%).
Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú giai đoạn 2 là động lực tăng trưởng kể từ năm 2025 của DPR. KCN này có diện tích đất 317 ha (DPR sở hữu 51%), dự kiến được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2024. Ước tính, KCN này có thể đem lại lợi nhuận trước thuế 1.087 tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục về mức thấp. Nguồn: SSI |
QNS (Đường Quảng Ngãi) đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm 2023 với 2.200 tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ). SSI dự phóng năm 2024, QNS sẽ tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh tại mức cao với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 5% so với cùng kỳ.
Sản lượng đường sản xuất của QNS trong năm 2024 dự kiến tiếp tục tăng trưởng (khoảng15-20% so với cùng kỳ) cùng với kỳ vọng tiêu thụ sữa đậu nành phục hồi (tăng 5%). Ngoài ra, QNS cũng đã chốt được nguyên liệu đậu nành đầu vào giá thấp hơn cho năm nay, giúp cải thiện biên lợi nhuận.
QNS còn có dòng tiền hoạt động kinh doanh tích cực và có tỷ suất chi trả cổ tức hàng năm ở mức 8%, dự kiến sẽ chi trả cổ tức tiền mặt trong tháng 4/2024.
VCI (Chứng khoán Bản Việt) được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2024 nhờ mức nền thấp ở 2023. Kết quả kinh doanh năm 2023 của VCI không quá tích cực, đặc biệt là không ghi nhận đầy đủ doanh thu và lợi nhuận từ mảng ngân hàng đầu tư, và do vậy triển vọng tăng trưởng lợi nhuận bứt phá trong năm 2024 của VCI là rất lớn. SSI kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của VCI có thể tăng 65% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, với chiến lược tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh môi giới khách hàng cá nhân và chuẩn bị nguồn lực để thực hiện mô hình hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức (NPS), áp lực tăng vốn đối với VCI là rất lớn, đặc biệt là VCI chưa thực hiện tăng vốn nào kể từ 2017. Bất kỳ kế hoạch tăng vốn nào được đề cập đến trong tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2024 (dự kiến công bố vào đầu tháng 3/2024) sẽ là điểm hỗ trợ cho VCI.