SSI Research vừa có báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 8 đánh giá, VN-Index vượt mục tiêu kỹ thuật đã đưa ra trong báo cáo tháng 7 và vượt lên trên vùng cản tâm lý 1.200 điểm.
Trên biểu đồ trung hạn, sau khi tiếp giáp vùng 1.220-1.230 điểm, chỉ số VN-Index chưa có dấu hiệu suy yếu sau quá trình tăng trưởng bắt đầu từ tháng 6/2023. Thanh khoản lớn đi kèm động lực tăng trưởng vừa qua cho thấy dòng tiền liên tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán.
Theo SSI Research, ở các chỉ báo kỹ thuật, chỉ báo RSI và ADX vận động trong vùng tín hiệu mạnh. Cho đánh giá sức mạnh xu hướng hiện tại duy trì với cường độ tích cực, đồng thời thể hiện nhịp tăng trưởng của chỉ số VN-Index khả năng sẽ tiến tới mục tiêu trung hạn 1.295-1.305 điểm trong tháng 8/2023, khi dòng tiền đang ủng hộ cho sự đi lên của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
"Mặc dù vậy, trong xu hướng tăng luôn kèm theo áp lực rung lắc mạnh khi TTCK càng đi lên vùng cao. Trường hợp chỉ số VN-Index không giữ vững điểm số trong vùng 1.160-1.180 điểm khi diễn ra điều chỉnh, nhà đầu tư cần thu gọn danh mục về trạng thái cân bằng với khẩu vị rủi ro", SSI Research lưu ý.
Bức tranh lợi nhuận quý 2/2023: Thu hẹp tốc độ giảm, khả năng tạo đáy
Trên quy mô toàn thị trường, theo SSI Research, tính đến ngày 7/8 số lượng công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 chiếm 98% vốn hóa thị trường. Trong đó, tổng doanh thu thuần (DTT) và lợi nhuận sau thuế (LNST) của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục giảm 3,9% và 12,8% so với quý 2/2022.
Nếu loại trừ lợi nhuận đột biến ở nhóm Vingroup, mức tăng trưởng DTT và LNST trên HoSE giảm lần lượt 9% và 10,7%, tuy vậy tốc độ giảm của LNST này cũng đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm ở Q1/2023.
Xét riêng nhóm VN30, DTT và LNST đã quay lại tăng trưởng dương trong quý 2/2023 và tạo động lực cho bức tranh lợi nhuận chung trên HOSE thu hẹp đà suy giảm.
Lợi nhuận các ngành Dầu khí, Hóa chất và Tài nguyên cơ bản đều giảm từ 60%-80% so cùng kỳ, từ mức cao của năm 2022. Tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu vẫn yếu gây áp lực lên nhiều ngành như Hàng cá nhân và gia dụng (giảm 52%), Điện nước & xăng dầu khí đốt (giảm 27,8%), Ô tô & Phụ tùng (giảm 52,2%), và đặc biệt ngành Bán lẻ giảm mạnh 92,1% với mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong nhiều quý.
Điểm tích cực là mặt bằng lợi nhuận đã có dấu hiệu tạo đáy, lợi nhuận bắt đầu được ghi nhận ở một số ngành:
Ngành Dịch vụ tài chính phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 388% so cùng kỳ và 85% so với quý 1/2023. Ngành Xây dựng và Vật liệu tuy vẫn giảm 28,3% so cùng kỳ nhưng phục hồi tích cực 159% so với quý trước với tăng trưởng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Nhóm Du lịch và giải trí thu hẹp đáng kể mức lỗ của cùng kỳ năm ngoái với nhiều doanh nghiệp đã có lãi trở lại. Tuy vậy, lợi nhuận ngành vẫn chưa thực sự bứt phá do chính sách nới lỏng thị thực chỉ có thể tác động mạnh đến thị trường từ năm 2024.
Sự phục hồi tăng trưởng lợi nhuận tạo nền tảng cho TTCK duy trì xu hướng tăng dài hạn
Theo các chuyên gia SSI Research, kết quả kinh doanh quý 2/2023 chưa thật sự tăng tốc trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, tuy nhiên tốc độ giảm đã thu hẹp đáng kể và đà giảm đã chậm lại trong 3 quý liên tục với khả năng tạo đáy, cho thấy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang dần phản ánh vào nỗ lực hồi phục của các doanh nghiệp.
SSI Research cho rằng sự phục hồi tăng trưởng lợi nhuận trong 2 quý cuối năm đi kèm với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là nền tảng vững chắc cho thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng ổn định trong trung và dài hạn.
Thị trường chứng khoán sẽ có những biến động mạnh hơn trong giai đoạn tới
"Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn hiện hữu do nút thắt thanh khoản trên thị trường TPDN vẫn chưa hoàn toàn giải quyết triệt để, biến động của tỷ giá cũng như khả năng suy thoái ở các nền kinh tế vẫn còn trước mắt. Điều này có thể khiến thị trường chứng khoán sẽ có những biến động mạnh hơn trong giai đoạn tới", SSI Research đánh giá.
Nhìn chung, SSI Research cho rằng thị trường sẽ cần thêm thời gian để lợi nhuận doanh nghiệp có thể bắt kịp với định giá.
Nhà đầu tư nên tiếp tục hướng sự tập trung và phân bổ tỷ trọng lớn vào các ngành/cổ phiếu đã tăng chậm hơn mặt bằng chung trong nửa đầu năm và có động lực dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong nửa cuối năm.