Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: quochoi.vn |
Phù hợp với thông lệ quốc tế
Tại phiên họp, Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được thông qua năm 2006, có hiệu lực từ 1/1/2007, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Sau 17 năm ra đời, phát huy được hiệu quả nhất định, đến nay, luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, luật này chưa có quy định cụ thể về việc xây dựng quy chuẩn cho đối tượng thuộc bí mật nhà nước, tạo ra những cách hiểu, diễn giải chưa thống nhất với quy định tại Luật Dự trữ quốc gia.
Từ đó dẫn đến vướng mắc, khó khăn khi quá trình thẩm định quy chuẩn. Trong khi các mặt hàng dự trữ quốc gia thuộc đối tượng bí mật nhà nước dùng để phục vụ cho quốc phòng, an ninh lại không thể tuân thủ theo quy định, thủ tục lấy ý kiến rộng rãi tất cả các bên liên quan theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: quochoi.vn |
Tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan trọng
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua theo dõi thấy các doanh nghiệp có phản ánh quy chuẩn kỹ thuật đâu đó còn có nội dung quy định thiếu thống nhất, cách hiểu chưa rõ ràng dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc. Dẫn chứng là quy chuẩn về an toàn về cháy của các công trình, hay quy chuẩn điều kiện, đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng phản ánh quá trình ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn "giật cục", nhanh quá mà không có lộ trình để thực hiện.
"Vấn đề như vậy tạo ra chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến áp lực cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp. Đây là việc cần phải sửa đổi để có quy định, tránh các vướng mắc bất cập"- Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu.
Về quy định cho các tổ chức, doanh nghiệp được tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn,Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế bày tỏ đồng tình. Bởi, theo ông đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của những tiêu chuẩn, quy chuẩn này để hàng hoá người ta có thể được đưa ra thị trường trong nước và thị trường của nước ngoài. Tuy nhiên cần có tiêu chí, có điều kiện quy định trách nhiệm cũng như hình thức của các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng, việc tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan trọng. Do đó cần có cơ chế khuyến khích để tham vấn ý kiến doanh nghiệp bởi trong quá trình sản xuất kinh doanh họ va chạm, vướng mắc ở chỗ này, chỗ kia, nên họ có kinh nghiệm thực tiễn có thể tham vấn đóng góp đưa ra bộ tiêu chuẩn quy chuẩn phù hợp.
Ngoài ra, về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan đã có quy định, các bộ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành. Nhưng vai trò trách nhiệm của Bộ Khoa học công nghệ cũng cần được quy định rõ ràng hơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu.