Sức hấp dẫn từ logistics hàng không, các hãng bay không thể ngồi yên

Vietravel IPP Air Cargo
16:03 - 10/09/2022
Sức hấp dẫn từ logistics hàng không, các hãng bay không thể ngồi yên
0:00 / 0:00
0:00
Vận chuyển hàng hoá qua đường hàng không là lĩnh vực cho thấy tiềm năng lớn trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Nhưng các hãng bay Việt Nam lại đang lép vế trong ngành này, ngay trên sân nhà.

Hãng hàng không Vietravel (Vietravel Airlines) vừa chính thức ký kết hợp tác với Công ty Asean Cargo Gateway (ACG) thành lập Vietravel Airlines Cargo (VUAir Cargo) - hãng bay chuyên phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hoá hàng không.

Năm đầu tiên, hãng sẽ tập trung khai thác vận chuyển hàng hoá giữa Việt Nam và các công xưởng lớn tại châu Á gồm Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan trên đội máy bay chuyên dụng B737-800F với số lượng 2 - 4 chiếc; dự kiến tăng gấp đôi trong năm tiếp theo.

Ngoài Vietravel Airlines, CTCP IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đang chờ được cấp phép để triển khai dịch vụ vận chuyển hàng hoá qua đường hàng không (đã được Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép kinh doanh từ cuối tháng 3/2022).

Hồ sơ lập hãng vận chuyển hàng hóa hiện cần có ý kiến đóng góp của 6 Bộ trước khi Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến và giao lại cho Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không xem xét. Nếu được thông qua, sau khi Cục Hàng không cấp phép bay, hãng cần có thêm chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC - Aircraft Operator Certificate) và các thủ tục liên quan đến cấp phép bến bãi. Hãng bay có thể mất 30 – 45 ngày để hoàn thiện các thủ tục cuối cùng trước khi cất cánh.

Đến hiện tại, đã có 4 Bộ cho ý kiến về việc cấp phép bay cho IPP Air Cargo. Đó là Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng vẫn chưa cho ý kiến.

Giao diện máy bay chở hàng của IPP Air Cargo. Ảnh: IPP.
Giao diện máy bay chở hàng của IPP Air Cargo. Ảnh: IPP.

Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng; trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động. Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3.

Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên…

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa đang rất "nóng"

Hiện tại, Việt Nam đã có 5 hãng hàng không đang khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách nhưng chưa có hãng nào chuyên chở hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Trong khi đó, theo thống kê của Cục Hàng không, tại Việt Nam hiện có 47 hãng hàng không quốc tế khai thác chuyến bay chở hàng hóa thường lệ (27 hãng chỉ chuyên chở hàng hóa, không chở khách).

Giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay, hàng loạt hãng chuyên chở hàng hóa của nước ngoài như China Central Longhao Airlines, China Southern Cargo Airlines (Trung Quốc), Air Incheon (Hàn Quốc), SpiceJet (Ấn Độ), Kalitta Airlines LLC và Western Global Airlines LLC (Mỹ)… được cấp quyền thực hiện chuyến bay chuyên chở hàng hóa đi/đến Việt Nam.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không trong nước chỉ chiếm khoảng 12%; 88% còn lại nằm trong tay 64 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam. Còn đối với vận chuyển hàng hóa trong nước, Vietnam Airlines là hãng dẫn đầu với 68% thị phần.

Với bối cảnh này, việc thành lập hãng bay chuyên chở hàng hoá sẽ phần nào cải thiện tình trạng lép vế của hàng không Việt Nam trong vận chuyển hàng hóa quốc tế. Đặc biệt là khi logistic hàng không đang có nhiều thuận lợi để phát triển.

Hiện các hãng không Việt Nam hiện vẫn vận chuyển hàng hoá kết hợp hành khách. Ảnh: Vietnam Airlines

Hiện các hãng không Việt Nam hiện vẫn vận chuyển hàng hoá kết hợp hành khách.

Ảnh: Vietnam Airlines

Dịch Covid-19 cùng xung đột Nga – Ukraine đã khiến giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng vọt 3-4 lần. Thậm chí vào một số thời điểm, giá cước hàng hóa quốc tế đối tại một số thị trường trọng yếu của thế giới đã tăng 5-6 lần so với thời điểm trước dịch.

Hiện nay, giá cước hàng hóa từ Việt Nam đi Mỹ vẫn duy trì ở mức 8-10 USD/kg, là một trong những lý do có thêm nhiều hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt là Mỹ muốn mở đường bay mới đến Việt Nam.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch IPP Air Cargo mới đây chia sẻ với báo chí rằng, dù chưa được cấp phép nhưng IPP Air Cargo đã được 2 nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn thế giới có nhà máy sản xuất tại phía Bắc ký hợp tác bao tiêu vận chuyển. Trong đó, mỗi hãng đăng ký sử dụng 2 máy bay chở hàng của IPP Air Cargo.

Ngoài những đơn đặt hàng đã có sẵn, IPP Air Cargo còn có thêm cơ hội vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Australia sau chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy hải sản Queensland (Australia) Mark Funer tại Việt Nam hôm 24/8. Theo kế hoạch, năm 2023, sẽ có một chuyến bay chở hàng từ Australia về Việt Nam mỗi tuần thông qua hãng hàng không IPP Air Cargo.

Mặc dù thuê 4 chiếc và đặt mua 10 máy bay B777 của Boeing, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho rằng vẫn có thể thiếu tàu vận chuyển vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở thị trường Việt Nam đang rất "nóng".

Trong 2 năm Covid-19, vận chuyển hàng hoá chính là cứu cánh cho các hãng hàng không khi hoạt động vận chuyển hành khách bị đình trệ. Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đều tháo ghế để chở hàng trên khoang, từ đó mang về nguồn doanh thu không nhỏ để bù đắp cho những khoản chi phí khổng lồ.

Doanh thu hàng hóa năm 2020 Vietnam Airlines đạt 5.260 tỷ đồng và năm 2021 xấp xỉ 8.400 tỷ (tăng trên 60% so với 2020). Nếu từ năm 2019 trở về trước, doanh thu hàng hóa chỉ chiếm trung bình gần 9% trên tổng doanh thu của hãng hàng không quốc gia thì trong 2 năm vừa qua, doanh thu hàng hóa đã chiếm xấp xỉ 40% tổng doanh thu.

Nhận thấy tiềm năng của ngành logistic hàng không, Vietnam Airlines đã nghĩ đến việc thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa. Tại hội nghị xúc tiến thương mại-đầu tư - du lịch giữa Việt Nam và Mỹ trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Mỹ hồi tháng 5 vừa qua, hãng hàng không quốc gia còn cho biết đang nghiên cứu mở đường bay chuyên chở hàng hóa giữa TP HCM và Los Angeles.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.