Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank, Mã: SGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022, theo đó, thu từ mảng dịch vụ của ngân hàng cũng tăng 42% so cùng kỳ năm trước, ghi nhận 12 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ kinh doanh ngoại hối giảm gần 17% so cùng kỳ, chỉ còn 9,1 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gần 59%, thu về hơn 237 tỷ đồng trong quý II/2022.
Tuy nhiên, trong kỳ, ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng gấp ba lần từ hơn 35 tỷ đồng lên 103 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý này của Saigonbank chỉ đạt 77 tỷ đồng giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập lãi thuần tăng gần 46% so với cùng kỳ lên 449 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng tăng lần lượt tăng 27,7% và 42% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 20,8 tỷ đồng và 25,3 tỷ đồng. Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 6,3% xuống còn 70,5 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 của Saigonbank đạt hơn 176 tỷ đồng, tăng gần 28,6% so với cùng kỳ và thực hiện 93% kế hoạch năm 2022 ngân hàng đưa ra là 190 tỷ đồng trước thuế.
Tính đến ngày 30/06/2022, tổng tài sản của SGB đạt 24.804 tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt hơn 18.100 tỷ đồng, tăng đến 9.7% so với cùng kỳ, trong khi huy động vốn từ khách hàng tăng nhẹ 1,2% lên 18.326 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ xấu nội bảng của Saigonbank tăng 5,4% so với đầu năm lên hơn 343 tỷ đồng đến hết quý II/2022. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng nhẹ lên 42,5 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 12,4% lên 121,7 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn cũng nhích nhẹ lên mức 178,6 tỷ đồng.
Song, do tổng dư nợ của SGB cũng tăng 8,8% lên 18.101 tỷ đồng cuối quý II/2022 nên tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm nhẹ từ 1,97% xuống còn 1,89%.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu SGB của Saigonbank đã lùi về gần sát mệnh giá khi kết phiên ngày 21/7 đứng ở mức 13.300 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường xấp xỉ 4.100 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 190 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với kết quả năm 2021.
Mục tiêu đến cuối năm 2022, tổng tài sản đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Vốn huy động và dư nợ cho vay tăng lần lượt 8% và 10%, đạt 22.130 tỷ đồng và 18.710 tỷ đồng. Nợ xấu (nhóm 3-5) sẽ vẫn đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.