Theo thống kê của Mekong ASEAN từ số liệu Cục Thống kê các tỉnh, thành phố cho biết trong quý 3/2023, Bắc Giang dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP. Trước đó quý 2, tỉnh này cũng đứng thứ hai cả nước với mức tăng 13,84%.
Đứng thứ hai bảng xếp hạng là Hậu Giang với tỷ trọng GRDP 12,85%, tiếp đó là Hà Nam (11,43%); Khánh Hòa(10,8%); Quảng Ninh (10,74%); Hà Tĩnh (10,69%). Hải Phòng và Nam Định đứng thứ 7 và 8 xếp hạng với tỷ trọng tương ứng 10,48% và 9,72%.
Ở chiều ngược lại, Quảng Nam, Bắc Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng thấp nhất cả nước trong quý 3/2023. Trước đó trong quý 1 và quý 2, ba tỉnh này cũng tăng trưởng âm. Cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng âm 4,26%, Bắc Ninh tăng trưởng âm 4,99%, Quảng Nam tăng trưởng âm 7,21%.
Đáng chú ý, hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP HCM đều vắng mặt trong Top 5 tỉnh thành phố có GRDP cao nhất quý 3/2023.
BẮC GIANG
Tại hội nghị Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang mới đây, Bí thư Dương Văn Thái cho biết công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 17,4% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 382.000 tỷ đồng, tăng 20,4 % so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,6%.
Trong 9 tháng, tổng giá trị xuất, nhập khẩu của tỉnh đạt hơn 32 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD.
Là một điểm sáng, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương tổ chức hôm 30/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết tăng trưởng kinh tế quý 3 của tỉnh đạt hơn 14%, đẩy tăng trưởng chung 9 tháng lên mức trên 12%, dự báo tăng trưởng quý IV sẽ mạnh hơn và cả năm sẽ cơ bản hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đề ra.
Đáng chú ý, lượng lao động tại các khu công nghiệp tại Bắc Giang những tháng qua có thêm khoảng 50.000 người, không những bù đắp được số sụt giảm trước đó mà còn tăng lên nhiều. Năng lực sản xuất được mở rộng với nhiều nhà máy mới trên địa bàn đi vào hoạt động, trong đó nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc khánh thành ngày 16/9.
Về thu hút FDI, báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thu hút vốn ngoại của Bắc Giang đứng thứ 4 cả nước trong 9 tháng đầu năm, đạt 1,76 tỷ USD, tăng 97% so với cùng kỳ và đã vượt con số của cả năm 2022.
Đến nay, đã có trên 27 quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Bắc Giang, trong đó Hàn Quốc đang là quốc gia đứng thứ nhất về số dự án, đứng thứ hai về tổng vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh Bắc Giang. Các doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của khối FDI toàn tỉnh; 30% giá trị xuất nhập khẩu; 21,3 % đóng góp vào ngân sách; chiếm 25,3 % số lao động trong các doanh nghiệp.
Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp thứ 2/63 tỉnh thành phố.
HÀ NỘI
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 3/2023 ước tính tăng 6,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 7,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,21%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,15%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,74%.
Tính chung 9 tháng năm 2023, GRDP của thành phố ước tính tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu ra, thị trường xuất khẩu, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên với xu hướng cải thiện qua từng quý đáng ghi nhận.
Trong quý 3/2023, Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm.
Tính chung 9 tháng năm nay, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 4,6%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 2,5 tỷ USD, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
TP HCM
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cho biết tăng trưởng quý 3 tiếp tục tăng cao hơn hai quý trước, đạt 6,71%. Đà cải thiện liên tục này giúp GRDP 9 tháng đầu năm tăng 4,57% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,14% so với cùng kỳ; công nghiệp - xây dựng tăng 2,57%. Riêng dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP, khi tăng 5,67% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng chính của địa phương. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất công nghiệp chưa thực sự mạnh mẽ nhưng liên tục được cải thiện. Tính chung 9 tháng, lIP trên địa bàn tăng 3,2% so với cùng kỳ, góp phần duy trì thị trường nội địa.
Hai trợ lực khác cũng giúp kinh tế TP HCM tiếp tục cải thiện gồm giải ngân đầu tư công và tác động từ các chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp.
Giải ngân đầu tư công 9 tháng đạt 20.523 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với chỉ tiêu đề ra mới đạt hơn 30% kế hoạch năm. Trong khi đó, mục tiêu cho 6 tháng phải đạt 35% và cả năm phải đạt 95% của tổng số vốn được phân bổ là 68.487 tỷ đồng.