Giám đốc điều hành NovaWind Grigoriy Nazarov và Giám đốc điều hành An Xuân Nguyễn Quang Luân trao thỏa thuận hợp tác |
Tại buổi Lễ thỏa thuận hợp tác ngày 25/7. Ông Grigoriy Nazarov, Giám đốc điều hành của NovaWind cho biết: "NovaWind đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm với tư cách là nhà phát triển các dự án điện gió ở Nga và sẵn sàng ứng dụng năng lực của mình ra nước ngoài.
Rosatom cũng đã triển khai một số dự án tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, khoa học và sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này".
Trước đó, tại Hội chợ triển lãm Expo được tổ chức đầu năm 2022, Phó Giám đốc điều hành NovaWind Yegor Grinkevich đã từng nói về mục tiêu của Rosatom trong việc tạo ra một danh mục các dự án năng lượng gió nước ngoài với tổng công suất lên đến 5GW vào năm 2030. Ông Grinkevich cho hay, Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng là một trong những khu vực thị trường ưu tiên của Rosatom.
Hiện tại, danh mục dự án năng lượng của NovaWind ở Nga lên tới 1,7GW.
Ngoài điện hạt nhân, Tập đoàn này còn nghiên cứu sản xuất các turbine gió. Tuy nhiên ông Alexei Likhachev, người đứng đầu Tập đoàn cho biết: “Máy phát điện gió không phổ biến ở nước chúng tôi, một đất nước giàu tài nguyên, bao gồm cả năng lượng hạt nhân. Vì vậy, chúng tôi chủ yếu tập trung vào xuất khẩu".
NovaWind được Rosatom thành lập vào tháng 9/2017 để hợp nhất các dự án điện gió, bao gồm VetroOGK và VetroOGK-2. Vào tháng 2/2018, Gazprombank đã mua lại 49,5% cổ phần của VetroOGK và đầu năm 2021, Gazprombank tiếp tục mua lại 49,5% cổ phần của VetroOGK-2.
CTCP Năng lượng An Xuân (An Xuân Group) được thành lập vào năm 2017, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư phát triển các dự án về năng lượng, gồm các dự án thủy điện, dự án điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối.
Hiện nay, Công ty có 4 nhà máy thủy điện hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 94,5 MW và đang thực hiện đầu tư dự án thủy điện Simacai tại tỉnh Lào Cai và các dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Điện Biên với tổng công suất 100 MW.
Cuối năm 2021, CTCP Năng lượng An Xuân đã từng đề xuất với UBND tỉnh Lạng Sơn để đầu tư dự án điện gió Đình Lập 3 giá trị lên tới hơn 18.200 tỷ đồng, công suất 528MW, sản lượng điện hàng năm 1.619 triệu kWh, diện tích chiếm đất khoảng 97ha tại huyện Đình Lập. Công ty dự kiến sẽ hoàn thành dự án với cơ cấu vốn 20% tự có, còn lại là vay thương mại (lãi suất 10%/năm).