Thủ tướng tham quan và nghe giới thiệu mô hình kinh tế tuần hoàn từ chất thải - một sản phẩm của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam nghiên cứu. Ảnh: VGP. |
Ngày 15/5, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5) và kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ, với chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia".
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thông qua hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ đã từng bước đi vào cuộc sống. Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ ghi dấu ấn trong nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng nâng giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao.
Về lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40% năm 2019. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận định, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới với tỷ lệ nội địa hóa cao, phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp...
Hay như trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhiều kết quả nghiên cứu liên quan đến công nghệ, vật liệu, giải pháp kỹ thuật mới, cơ khí, tự động hóa, chế tạo nội địa hóa thiết bị thí nghiệm, kiểm định với mức tự động hóa cao.
Đặc biệt, xếp hạng quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng cải thiện. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Trong 10 năm qua, thứ hạng của Việt Nam tăng 30 bậc, từ vị trí 76 lên 46. Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Trường Hải (THACO) khẳng định, sự lớn mạnh của tập đoàn có được như ngày hôm nay là nhờ mạnh dạn ứng dụng, đổi mới công nghệ.
Để minh chứng rõ nét hơn, lãnh đạo THACO cho biết, mỗi năm tập đoàn thực hiện hơn 200 đề tài sáng kiến và hơn 2.000 cải tiến trong sản xuất. Riêng trong năm 2023 có hơn 3.500 sáng kiến, cải tiến được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, tiết kiệm hơn 70 tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mang lại giá trị công nghệ và kinh tế cao.
"Với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, công nghệ hoặc mô hình sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều lợi ích và đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn," ông Phạm Văn Tài nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngành khoa học công nghệ Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng dẫn minh chứng mới đây, Việt Nam tự thực hiện làm cầu Mỹ Thuận 2 từ khâu thực hiện, giám sát và có được cây cầu đẹp, rẻ và tiết kiệm thời gian hơn. Tất cả đều nhờ khoa học công nghệ giúp Việt Nam đến gần hơn với các mục tiêu. Theo Thủ tướng, sự quyết tâm của các nhà khoa học, sự quản lý của các nhà lãnh đạo giúp "biến cái không thể thành có thể", "biến khó thành dễ"...
"Nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, trở nên ngày càng khan hiếm thì khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất, những con người bình dị nhất, không phân biệt giới tính, màu da, trình độ, tuổi tác hay tầng lớp trong xã hội".
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, thách thức của nền khoa học công nghệ Việt Nam. Đó là nhận thức của các cấp, ngành và địa phương về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là với khoa học xã hội và nhân văn.
Cùng với đó, cơ chế, chính sách quản lý khoa học công nghệ còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ và chưa có đột phá trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng.
Để góp phần phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhanh và bền vững trên các lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển khoa học công nghệ, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực khoa học công nghệ. Tập trung phát triển mạnh thị trường khoa học công nghệ nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng cũng như tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải xem hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp.
Cần có chính sách phù hợp thu hút các nhà khoa học Việt Nam uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến, Thủ tướng nói.