Theo thông tin công bố mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện còn khoảng 700.000 thuê bao 2G Only đang hoạt động, chiếm dưới 1% tổng số thuê bao hòa mạng. Cụ thể, Viettel còn 360.000 thuê bao, VinaPhone 150.000 thuê bao thuê bao, MobiFone 47.919, Vietnamobile 17.000 thuê bao, ASIM 5.000 thuê bao, VNSKY còn khoảng vài nghìn thuê bao và Mobicast là 423 thuê bao.
Mạng truyền sóng 2G là công nghệ di động được phát triển ở Việt Nam từ năm 1993. Trong những năm qua, các lỗ hổng bảo mật của mạng 2G đã và đang bị tội phạm mạng khai thác ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn. Không chỉ vậy, 2G cũng là nguyên nhân cản trở việc triển khai những kết nối di động mạnh mẽ hơn như 4G/5G/6G.
Trao đổi với Mekong ASEAN về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết: “Việc tắt sóng 2G nhằm mục tiêu tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển. Đồng thời để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Lợi ích của tắt sóng 2G là thúc đẩy 100% người dân tiến tới sử dụng các dịch vụ băng rộng với chất lượng cao hơn, đồng thời vươn tới mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Theo lãnh đạo Viettel Telecom, trong quá trình chuyển đổi khách hàng 2G lên 4G, Viettel Telecom cũng gặp không ít khó khăn do số thuê bao 2G của Viettel là lớn nhất trong các nhà mạng. Bên cạnh đó, với mạng lưới phủ sóng rộng khắp đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khách hàng đang sử dụng 2G Viettel tập trung nhiều ở nông thôn, miền núi, khả năng tiếp cận thông tin khó khăn, tiếp cận các kênh chuyển đổi thấp, dẫn đến chuyển đổi dịch vụ khó hơn. Ngoài ra là rào cản về thu nhập và tâm lý khách hàng.
Từ ngày 15/10, điện thoại 2G chính thức bị tắt sóng, không thể liên lạc. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ TT&TT |
Để giải quyết bài toán trên, Viettel Telecom đã triển khai những chính sách hỗ trợ người dùng như tổ chức kênh chuyển đổi rộng khắp trên toàn quốc. “Vào lúc cao điểm, có tới 12.000 điểm hỗ trợ chuyển đổi máy 4G cho khách hàng được bố trí tới tận thôn, xã để người dân không cần phải đi xa,” ông Nguyễn Trọng Tính nói.
Đồng bộ với các hoạt động thúc đẩy khách hàng chuyển đổi là việc chuẩn bị trước nhiều dòng điện thoại 4G cho khách hàng. Các dòng máy đa dạng từ điện thoại phím bấm 4G đến smartphone thương hiệu nổi tiếng đều đi kèm chính sách trợ giá đến 50% giá bán hoặc hỗ trợ với giá 0đ nếu khách hàng đăng ký kèm gói cước dài kỳ.
Đối với người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không có điều kiện chuyển đổi lên 4G, Viettel Telecom dành 40 tỷ đồng để hỗ trợ tặng máy điện thoại phím bấm 4G (Feature Phone). Chương trình áp dụng giai đoạn đầu cho khoảng 100.000 khách hàng tại hơn 1.700 xã khó khăn và đặc biệt thuộc miền núi, dân tộc thiểu số, miền biển.
Song song với công tác chuyển đổi, Viettel tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng 4G, trong năm qua đã lắp đặt hơn 6.000 trạm phát sóng vô tuyến 4G, đưa vùng phủ 4G đạt hơn 96%. Mục tiêu đến năm 2025, vùng phủ 4G sẽ đạt hơn 98% dân số.
Từ ngày 20/9, Viettel triển khai hỗ trợ chuyển đổi miễn phí máy 4G cho 700.000 thuê bao cuối cùng đang sử dụng máy 2G (theo khảo sát đều là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, người dân vùng sâu vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, bão lũ không có điều kiện để chuyển đổi), với nguồn kinh phí lên tới 300 tỷ đồng. Sau một tuần triển khai, đã có hơn 200.000 thiết bị được gửi tới khách hàng.
“Việc chuyển dịch lên 4G giúp người dùng có thể truy cập Internet tốc độ cao, tiếp cận các dịch vụ số đa dạng, thuận tiện trong sử dụng các dịch vụ trực tuyến tiện ích trong giáo dục, y tế, thanh toán, giải trí,” lãnh đạo Viettel Telecom chia sẻ.