Thủ tướng Italy Mario Draghi đệ đơn từ chức

CHÍNH PHỦ Italy
09:06 - 15/07/2022
Thủ tướng Italy Mario Draghi. Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Italy Mario Draghi. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 14/7, các bất ổn chính trị bắt đầu nhen nhóm tại Rome khi chính phủ rơi vào tình trạng lấp lửng và Thủ tướng Italy Mario Draghi thì đệ đơn xin từ chức.

Theo CNBC, ông Draghi tuyên bố sẽ từ chức sau khi Đảng Phong trào Năm Sao (M5S) - một đảng chính trị trong liên minh cầm quyền của ông - từ chối tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào sáng 14/7.

Cụ thể, đảng Phong trào Năm Sao, một trong những đảng trong chính phủ liên minh do ông Draghi lãnh đạo, đã phản đối một sắc lệnh mới nhằm giảm lạm phát và chống lại chi phí năng lượng tăng cao. Các nhà lập pháp của Italy đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về gói chính sách trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, đảng M5S vẫn quyết định tẩy chay sắc lệnh này bất chấp việc ông Draghi đe dọa từ chức nếu đảng không ủng hộ.

Sau đó ông Draghi thông báo với nội các sẽ “đệ đơn từ chức lên tổng thống" vào tối 14/7. Động thái này có khả năng cao sẽ đẩy chính trường Italy trở lại tình trạng bất ổn.

Tuy nhiên ngay trong tối cùng ngày, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã bác đơn từ chức của ông Draghi, đồng thời yêu cầu Thủ tướng Draghi gặp mặt Quốc hội để có một bức tranh rõ ràng về tình hình chính trị và cân nhắc thêm về đơn từ chức của mình. Do đó ông Draghi và cũng đồng thời là cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải quay lại Quốc hội để tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ.

Theo kế hoạch, Italy sẽ tổ chức bầu cử quốc hội trước tháng 6/2023 nhưng sự không chắc chắn mới nhất tại nền chính trị quốc gia này có thể khiến việc bầu cử quốc hội diễn ra sớm hơn. Tuy vẫn chiếm đa số trong Quốc hội Italy dù không có sự hỗ trợ của đảng M5S, ông Draghi tuyên bố sẽ không đảm nhiệm vị trí lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ nào nữa.

Trên thực tế, ông Draghi lên nắm quyền từ tháng 2/2021 và đã lãnh đạo một chính phủ được thành lập bởi một số đảng phái và các nhà kỹ trị. Mục tiêu của chính phủ ông Draghi nhằm mang lại sự ổn định cho quốc gia Nam Âu vốn thường xuyên rơi vào vòng hỗn loạn chính trị.

Để làm dịu đi những lo ngại trước đây của các nhà đầu tư về sự ổn định của nền kinh tế Italy, chính quyền ông Draghi đã liên tục thúc đẩy chương trình nghị sự cải cách. Nhưng các nỗ lực loại bỏ năng lượng từ Nga của EU cũng đã khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Lợi tức trái phiếu của Italy cũng đã tăng cao hơn trong phiên trước thông báo từ chức của ông Draghi, trong khi cổ phiếu ngân hàng sụt giảm.

Tin liên quan

Đọc tiếp