Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP |
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, và thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16 - 23/1.
Hội nghị thường niên WEF Davos lần thứ 54 với chủ đề “Tái thiết lòng tin” sẽ được tổ chức từ ngày 15 - 19/1 tại Davos, Thụy Sỹ.
Hội nghị sẽ tập trung trao đổi và đề xuất các giải pháp xung quanh 4 nhóm vấn đề gồm: thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh; xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới; chiến lược dài hạn đối với khí hậu, tự nhiên và năng lượng; trí tuệ nhân tạo là động lực cho phát triển kinh tế và xã hội.
WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.
Việt Nam và Hungary đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950, mối quan hệ phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực kinh tế, giáo dục, pháp luật, văn hóa, giao lưu nhân dân. Hungary coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
Hai bên đang hướng tới đẩy mạnh thương mại song phương; nâng cao hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nhau vào thị trường mỗi bên; khuyến khích các doanh nghiệp Hungary đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Hungary có thể mạnh như dược phẩm, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo...
Romania là nước bạn bè truyền thống, có quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp với Việt Nam. Quan hệ song phương Việt Nam - Romania phát triển tốt đẹp trên nhiều mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục đào tạo...
Hợp tác kinh tế - thương mại là trụ cột và động lực phát triển trong quan hệ hai nước. Giai đoạn 2019 - 2022, thương mại song phương tăng hơn 1,6 lần từ mức 261 triệu USD năm 2019 lên 425 triệu USD năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Romania đã tăng 1,6 lần từ mức gần 194 triệu USD năm 2019 lên 322 triệu USD năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Romania tăng 1,5 lần từ 68 triệu USD lên 103 triệu USD.
Hai bên đang có tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như cơ khí, máy móc chuyên dụng, thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, công nghiệp sản xuất ô tô, năng lượng sạch, khai khoáng, lọc hóa dầu....