Số thu từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt khoảng 5.588 tỷ đồng. Số thu này có xu hướng tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng thu bình quân giai đoạn 2018-2021 đạt 130%. Đặc biệt, năm 2021 thu 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020.
Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn đóng góp vào ngân sách Nhà nước như Facebook (2.099 tỷ đồng); Google (2.114,6 tỷ đồng); Microsoft (714 tỷ đồng)…
Để quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi này. Tuy nhiên, trong thực tiễn, so với thu nhập và doanh thu thực tế, số thuế nộp ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử được đánh giá là chưa tương xứng.
Tại Toạ đàm Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/9, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) thừa nhận, đặc trưng của nền kinh tế số và thực tiễn phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý Nhà nước, nhất là quản lý thuế.
Đầu tiên là rất khó quản lý đầy đủ các nguồn thu và đối tượng nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh xuyên biên giới trên môi trường trực tuyến. Các quốc gia vốn đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, trong khi doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh xuyên biên giới lại có thể vận dụng các quy định để phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định của từng nước.
Trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại một nước hay một địa bàn cụ thể.
Nói cách khác, "sự hiện diện trong không gian số" không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật thuế hiện hành mà chủ yếu căn cứ vào "sự hiện diện vật chất" của tổ chức kinh doanh hay người nộp thuế. Vì thế dẫn đến khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế, bà Lan Anh cho biết.
Bên cạnh đó, trong thương mại điện tử phát sinh rất nhiều loại thu nhập khó phân biệt, chẳng hạn như phí bản quyền hay những phí dịch vụ khác cũng là một rào cản lớn trong việc phân biệt các loại thu nhập để làm cơ sở tính thuế.
Cùng với đó, khó khăn trong kiểm soát giao dịch kinh tế để quản lý đối tượng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng được Vụ trưởng Nguyễn Thị Lan Anh đề cập tới.
Do chủ thể kinh doanh thương mại điện tử không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài. Một đối tượng có thể cùng một lúc mở nhiều gian hàng, kinh doanh trên rất nhiều trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử khác nhau.
Một thách thức nữa đặt ra cho ngành thuế trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử đó chính là quản lý dòng tiền. Với sự phát triển của nền kinh tế số thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng của như: thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử....
Quản lý dòng tiền là quan trọng để chống thất thu thuế
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh đến yêu cầu cần quản lý hoạt động của dòng tiền để chống thất thu thuế thương mại điện tử.
Do các giao dịch có thể một giao dịch hàng trăm nghìn USD nhưng cũng có giao dịch số tiền hạn chế. Vì thế, vấn đề được đặt ra là làm thế nào quản lý được dòng tiền để đối soát hoạt động kê khai thuế của các tổ chức cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới và có phát sinh doanh thu.
Về vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, về mặt khuôn khổ pháp luật thì về cơ bản Việt Nam đã có để thực thi các nghiệp vụ, biện pháp để mà thu thuế trên nền tảng số.
Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những thay đổi liên tục, tạo ra nhiều hành vi, nhiều hoạt động mới, có thể ngày hôm nay chúng ta biết rồi, đưa vào quy định nhưng có thể ngày mai lại không có nữa.
Chính vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện về khuôn khổ pháp luật và có độ phổ quát cao hơn trong các quy định.
Ví như hiện nay, Việt Nam thu thuế thông qua hành vi dòng tiền nhưng có thể người kinh doanh không dùng tiền Việt Nam thanh toán mà dùng các đồng tiền số, nhưng hiện nay Việt Nam chưa thừa nhận đồng tiền số. "Vậy thì những đối tượng đấy có được đưa vào cơ chế điều tiết như thế nào. Chúng ta phải có khuôn khổ pháp luật có khả năng bao phủ được hết tất cả các hành vi", ông Cường nêu quan điểm.
Tuy nhiên, quản lý sẽ không đồng nghĩa với bóp nghẹt. Ông Cường cho rằng: "Các nhà quản lý cần lưu ý đến một yếu tố là Việt Nam đang khuyến khích về khởi nghiệp mà khởi nghiệp cũng phát sinh ở nền tảng số. Nếu không cận trọng chúng ta lại dùng một biện pháp quản lý thu được thuế nhưng lại ảnh hưởng đến môi trường của khởi nghiệp. Cho nên, môi trường pháp lý, khuôn khổ pháp lý phải làm sao giải quyết hài hòa các yếu tố này".
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền nhận định, các hoạt động chuyên ngành cần có sự phối hợp là cách quản lý tổng thể và hiệu quả. Các bộ ban ngành cần tăng cường trao đổi thông tin, việc này không chỉ hữu ích cho việc thu thuế mà còn rất hiệu quả cho các hoạt động chuyên ngành.
Ví dụ cơ quan Thuế cung cấp thông tin liên quan đến các đối tượng thương mại điện tử xuyên biên giới thì Bộ Thông tin Truyền thông sẽ có cơ sở để nếu cần sẽ cùng đấu tranh về các vụ việc. Từ đó các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới mới có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.
Đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới, về cơ sở pháp lý Việt Nam đã có tương đối đầy đủ như: Luật quản lý thuế, Nghị định 126 hướng dẫn về Luật quản lý thuế, các Thông tư, Nghị định liên quan đều đã có các quy định đóng thuế và thu thuế. Mục tiêu là đẩy mạnh được hoạt động quản lý thuế, thu thuế được hiệu quả.
"Tôi nghĩ là quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành. Khi xây dựng các quy định, ngành thuế cũng đã nhấn mạnh vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc đối soát các nguồn tiền để chúng ta có thể rà soát, kiểm tra được các đối tượng thu thuế có đầy đủ hay không và Bộ Thông tin Truyền thông cũng luôn luôn sẵn sàng phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng như các Bộ ngành khác để hỗ trợ về các nội dung chuyển đổi số phục vụ cho công tác chuyên ngành", bà Huyền nói thêm.