Tình hình kỳ lân Đông Nam Á hai năm qua có gì mới

Tình hình kỳ lân Đông Nam Á hai năm qua có gì mới

kỳ lân ĐÔNG NAM Á
06:21 - 13/10/2023
Kể từ khi thuật ngữ kỳ lân (unicorn) xuất hiện lần đầu vào năm 2013 để chỉ một công ty được định giá trên 1 tỷ USD, khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các công ty kỳ lân này.

Tính đến cuối năm 2022, DealStreetAsia cho biết khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 52 unicorn và thậm chí cả một số decacorn – các công ty được định giá trên 10 tỷ USD. Về mặt phân bổ địa lý, phần lớn các kỳ lân trong khu vực xuất hiện tại Singapore (25) và Indonesia (16). Các quốc gia còn lại bao gồm Việt Nam với 4 kỳ lân, Thái Lan với 3 kỳ lân, Philippines với 2 kỳ lân và Malaysia với 1 kỳ lân duy nhất là Carsome.

Tới cuối tháng 7/2023, Đông Nam Á chỉ ghi nhận thêm 1 kỳ lân duy nhất xuất hiện là startup công nghệ thủy sản eFishery của Indonesia sau khi vòng gọi vốn Series D của công ty thành công huy động được 200 triệu USD. Động thái này nâng tổng số kỳ lân của Đông Nam Á lên ngưỡng 53 trong hơn 1.200 kỳ lân trên toàn thế giới.

Trong số các lĩnh vực, fintech và thương mại điện tử là các ngành nhận được sự tài trợ lớn nhất tới từ các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư. Trong tương lai khi hệ sinh thái startup của khu vực ngày một trưởng thành, các chuyên gia kỳ vọng sẽ có ngày càng nhiều vốn được bơm vào các lĩnh vực tiềm năng khác như công nghệ sức khỏe, AI, SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) và F&B (dịch vụ ẩm thực và đồ uống trong các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống).

Do người dân gia tăng sử dụng điện thoại thông minh, dân số trẻ, nguồn vốn cổ phần tư nhân gia tăng và đặc biệt là sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, khu vực này ghi nhận số công ty trở thành kỳ lân cao kỷ lục là 23 trong năm 2021.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của Đông Nam Á lại có dấu hiệu sụt giảm trong gần 2 năm trở lại đây. Cụ thể trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, kinh tế thế giới tăng trưởng trì trệ, dẫn tới sự sụt giảm trong nguồn vốn đầu tư. Như một kết quả tất yếu, Đông Nam Á chỉ ghi nhận 8 kỳ lân trong năm ngoái và một kỳ lân trong năm nay.

Xu hướng này cũng tương đồng với thế giới khi nhà cung cấp dữ liệu PitchBook của Mỹ cho biết số lượng kỳ lân mới trung bình mỗi tháng trên toàn thế giới giảm 80% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, con số này suy giảm từ mức cao kỷ lục 50,3 năm 2021 công ty xuống chỉ còn 7,3 công ty trong năm nay.

Về phía các nhà tài trợ, theo DealStreetAsia cho biết các công ty Đông Nam Á chỉ huy động được 2,88 tỷ USD trong quý 4/2022, đánh dấu mức thấp nhất trong 2 năm. Trên phạm vi cả năm, nguồn vốn tư nhân giảm 32% so với năm 2021 từ ngưỡng 23,2 tỷ USD xuống 15,8 tỷ USD.

Bất chấp các khó khăn, nhiều nhà đầu tư vẫn duy trì thái độ tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh số lượng các đợt IPO tại Đông Nam Á, chủ yếu tập trung vào nhu cầu trong nước như bất động sản và thực phẩm cũng như năng lượng tái tạo, vẫn chứng kiến sự gia tăng tại các sàn giao dịch chứng khoán địa phương.

Văn phòng của MoMo tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: MoMo

Văn phòng của MoMo tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: MoMo

Chính sách ươm mầm startup của các chính phủ Đông Nam Á

Nhằm giúp ngày càng nhiều các công ty startup trong khu vực đạt được trạng thái kỳ lân cũng như hình thành một hệ sinh thái mạnh mẽ, các chính phủ các nước Đông Nam Á đang đưa vào thực thi nhiều chính sách ưu đãi.

Từ năm 2017, chính phủ Singapore đã đề xuất Sáng kiến Startup SG nhằm cung cấp nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau cho các công ty địa phương. Startup SG được thành lập nhằm đại diện cho lợi ích chung của cộng đồng khởi nghiệp và thống nhất các nỗ lực để hỗ trợ hệ sinh thái.

Tới năm 2018, Startup SG Network đã được ra mắt để mang hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Singapore xích lại gần nhau hơn và khuyến khích sự phát triển của các mối quan hệ đối tác sáng tạo và hợp tác. Nền tảng này cho phép các công ty khởi nghiệp công nghệ địa phương lập hồ sơ và quảng bá tới các công ty khác trong hệ sinh thái địa phương và toàn cầu, mở rộng cơ hội phát triển chính mình. Hiện tại, mạng lưới này đang kết nối 4.795 doanh nghiệp startup, 525 nhà đầu tư và 250 vườn ươm khởi nghiệp.

Đối với Indonesia, một nghiên cứu công bố hồi tháng 11/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy nước này đã công bố kế hoạch Phát triển Quốc gia Trung hạn (MTNDP) giai đoạn 2020–2024 nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và phát triển tài năng.

Các mục tiêu này bao gồm 80% sinh viên tốt nghiệp đại học tìm được việc làm ngay lập tức, 40% đổi mới đến từ ưu tiên nghiên cứu quốc gia, 50% lực lượng lao động có năng lực kỹ năng trung cấp hoặc cao cấp, 82% dân số sử dụng internet và 95% thôn bản được phủ sóng Internet băng thông rộng. Đặc biệt, Indonesia đã đạt được thành công trước thời hạn đối với một trong số các mục tiêu là việc phát triển được thêm 3 kỳ lân từ ngưỡng 5 kỳ lân của năm 2019.

Đối với Philippines, nước này đã ký thành luật “Đạo luật Khởi nghiệp Đổi mới” từ 26/4/2019 nhằm mang lại những lợi ích quan trọng như miễn thuế và tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn. Đạo luật này nhằm củng cố, thúc đẩy và phát triển một hệ sinh thái và văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Philippines cũng như tập trung vào việc cung cấp các lợi ích và loại bỏ các ràng buộc.

Một đạo luật khác cũng được ký trong cùng năm là “Đạo luật Đổi mới Philippines” yêu cầu thành lập Hội đồng Đổi mới Quốc gia (NIC) để định hướng toàn bộ việc phối hợp và hợp tác giữa các chính phủ, từ đó hướng tới mục tiêu loại bỏ sự phân mảnh trong quản trị đổi mới của đất nước.

Các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đang chứng kiến sự gia tăng số lượng các vườn ươm khởi nghiệp, ví dụ như MaGIC của Malaysia, DTAC Accelerate của Thái Lan và VIISA của Việt Nam. Các tổ chức này đóng vai trò cung cấp cố vấn, tài nguyên và tài trợ để giúp các công ty startup đẩy nhanh tốc độ phát triển và tiếp tục củng cố hệ sinh thái.

Cửa hàng của kỳ lân Carsome tại Petaling Jaya. Malaysia. Ảnh: Carsome

Cửa hàng của kỳ lân Carsome tại Petaling Jaya. Malaysia. Ảnh: Carsome

Đọc tiếp