Vietcombank hiện không phải chịu nhiều áp lực huy động tiền gửi khách hàng - theo SSI (Ảnh: Sơn Quách) |
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đẩy lãi suất huy động kịch trần
Ngay sau thông báo của Ngân hàng Nhà nước về việc tăng lãi suất điều hành 1% vào cuối tuần qua, một loạt ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động.
Tại nhiều ngân hàng, lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng và từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được niêm yết ở mức tối đa cho phép theo quy định mới là 0,5%/năm và 5%/năm.
Chẳng hạn như tại ngân hàng SCB đã có sự điều chỉnh tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng theo trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Tại kỳ gửi không kỳ hạn, lãi suất tăng kịch trần từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm. Ở kỳ hạn 1-5 tháng, SCB nâng lên 4,9%/năm với kỳ hạn 1 tháng và kịch trần 5%/năm cho kỳ hạn từ 2-5 tháng.
Không chỉ riêng SCB, các ngân hàng như KienlongBank (KLB), BacABank (BAB), Eximbank (EIB), GPBank, SHB, OCB, SeABank (SSB), VIB và VPBank (VPB) cũng đồng loạt tăng lãi suất ngay trong 2 ngày 23-24/9 ở mức 0,5%/năm và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng trên 4%/năm, phổ biến dao động quanh mức 4,5-4,9%/năm.
Ngoài tăng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều nhà băng trong đợt này còn tăng lãi suất kỳ hạn dài thêm 0,5-0,7%/năm. Tại các ngân hàng lớn như ACB, SHB, Techcombank, VPBank, lãi suất nhiều kỳ hạn đã vượt mức 7%/năm.
Trong khi hầu hết các ngân hàng tư nhân từ lớn tới nhỏ đều tăng kịch trần lãi suất nhưng nhóm Big 4 ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank hiện tại vẫn đứng ngoài cuộc đua.
Đối với kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, lãi suất của nhóm Big 4 chỉ dao động ở mức 3,1-3,4%/năm và dưới 1 tháng là 0,2%.
Tuy rằng trong năm nay, nhóm các "ông lớn" ngân hàng đều đã có sự thay đổi lãi suất tiết kiệm, chẳng hạn tại Vietinbank (mã: CTG), sau thời gian dài vẫn giữ nguyên lãi suất quanh mức cao nhất là 5,4%, ngân hàng đã có động thái triển khai chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất 0,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng trên VietinBank iPay.
Hay tại Vietcombank (Mã: VCB) trong cuối tháng 7/2022, ngân hàng cũng cập nhật biểu lãi suất sau 1 năm kìm nén lên mức 0,1%-0,2% ở hầu hết kỳ hạn gửi, áp dụng với cả tiền gửi tại quầy và gửi online.
Nhưng lãi suất niêm yết tại quầy của 4 ngân hàng này vẫn đang ở mức 5,6%/năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn giữ mức lãi suất niêm yết tại quầy là 5,6%/năm (Ảnh minh hoạ) |
Lý do nhóm Big 4 nằm ngoài cuộc đua lãi suất
Chứng khoán SSI cho rằng, một trong những lý do các nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn đứng ngoài cuộc đua lần này do có được nhiều ưu thế so với nhóm tư nhân nhờ danh tiếng, đặc thù hoạt động, cũng như mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp cả nước. Bên cạnh đó, trong giai đoạn thanh khoản hệ thống không còn dồi dào, nhóm Big4 vẫn đang được hỗ trợ rất lớn từ các dòng tiền lớn.
Tại báo cáo cập nhật liên quan đến ngân hàng BIDV (mã: BID), SSI cũng cho rằng nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước Việt Nam (STV) đã giúp ngân hàng giảm bớt áp lực huy động vốn từ khách hàng.
Trong quý II, tiền gửi có kỳ hạn tại STV tăng 33.000 tỷ đồng (tăng 90% so với quý trước), trong khi tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 10.000 tỷ đồng (tăng 0,7% so với quý trước).
Tương tự tại Vietcombank, trong quý II/2022, tiền gửi của STV đã tăng 25.000 tỷ đồng, đạt 59.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6, tương đương với khoảng 4,9% tổng tiền gửi khách hàng.
Vì thế, ngân hàng không phải chịu nhiều áp lực huy động tiền gửi khách hàng trong giai đoạn này. Theo đó, tổng tiền gửi tại Vietcombank chỉ tăng 12.000 tỷ đồng (tăng 1% so với quý trước), đạt 1,2 triệu tỷ đồng vào cuối quý II/2022.
Điều này giúp Vietcombank kiềm chế được đà tăng của chi phí huy động bình quân (chỉ tăng 0,11% so với quý trước), mặc dù mặt bằng lãi suất huy động tăng và CASA giảm (-0,9 điểm % xuống 41,4%), SSI Research nhận định.
Với VietinBank, số dư tiền của ngân hàng này cũng tăng từ gần 31.800 tỷ lên 58.200 tỷ vào cuối quý II.
Tính chung tại 3 ngân hàng, tổng nguồn tiền gửi của STV tại thời điểm 30/6/2022 lên tới 189.254 tỷ đồng, tăng gần 138.000 tỷ so với cuối năm 2021. Riêng trong quý II, lượng tiền gửi của STV tại nhóm này tăng thêm gần 68.700 tỷ đồng.
Theo SSI, nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước đã giúp nhóm Big4 ngân hàng không chịu nhiều áp lực huy động tiền gửi từ khách hàng và hạn chế đà tăng của chi phí vốn. Nhờ ổn định lãi suất huy động tốt hơn, nhóm Big4 đang có lợi thế về chi phí vốn so với nhóm ngân hàng tư nhân.
Tại báo cáo phân tích động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN của Maybank Investment ngày 24/9, các chuyên gia nhấn mạnh đến yêu cầu của Thủ tướng về giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, giới hạn tăng trưởng tín dụng tổng hợp, là công cụ chính sách tiền tệ chính của NHNN để quản lý lạm phát và tăng trưởng, vẫn không thay đổi ở mức +14% trong năm.
Chưa kể, đáp ứng một số yêu cầu về lãi suất của các ngân hàng thương mại là cơ sở để NHNN cấp room tín dụng. Do đó, các ngân hàng không thể tùy tiện tăng lãi suất tăng cao.
Theo dự đoán của Maybank IBG, NHNN sẽ không điều chỉnh lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022 sau động thái tăng mạnh của tháng này. Maybank IBG nghĩ rằng các nhà điều hành có thể không muốn thắt chặt quá mức và cản trở việc phục hồi kinh tế. Và NHNN vẫn có đủ dự trữ để bảo vệ VND mà không phải tăng lãi suất thêm nữa.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng, Thống đốc NHNN cho biết “NHNN sẽ theo dõi diễn biến thị trường để có những biện pháp điều hành phù hợp”.
Maybank IBG cho rằng điều này ngụ ý rằng NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của tỷ giá. Trong trường hợp áp lực bán ra đối với VND tiếp tục gia tăng bất chấp mức tăng 100 điểm cơ bản này, NHNN có thể lựa chọn tăng thêm.