Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X. Ảnh: VGP |
Tuyến đường sắt Metro số 1 sẽ đi vào khai thác từ 2024
Theo ông Trần Quang Lâm, giao thông TP HCM có nhiều tín hiệu vui khi đảm bảo phát triển kinh tế thành phố và là đầu mối giao thông lớn của Vùng Đông Nam Bộ.
Cảng biển Sài Gòn là cảng biển lớn nhất nước, sản lượng khoảng 167 triệu tấn/năm, chiếm 25% sản lượng cả nước, 55% Vùng Đông Nam Bộ. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có sản lượng trên 40 triệu hành khách/năm, chiếm 30% sản lượng cả nước.
Những năm qua, TP HCM cũng đã thực hiện được nhiều chính sách tạo sự đồng thuận, hiệu quả, ví dụ như thu phí hạ tầng cảng biển. Hiện mỗi ngày, thành phố thu được trung bình 6 tỷ đồng.
Ông Lâm cũng nhắc đến dự án Vành đai 3, dự án lớn nhất từ trước đến nay của TP HCM với 75.000 tỷ đồng, được Quốc hội giao chủ trì và quyết định đầu tư. Sau một năm, thành phố đã hoàn thành khâu tổ chức với số lượng giải phóng mặt bằng kỷ lục.
Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ông Trần Quang Lâm khẳng định hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị đã xây dựng giải pháp đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2023 và sẽ bắt đầu khai thác vào năm 2024.
Ngoài ra, thành phố đã ban hành Kế hoạch tổng thể để đảm bảo vận hành khai thác tuyến Metro số 1 an toàn và có hiệu quả, nhất là các tuyến giao thông kết nối đến các hệ thống vận tải.
Về thẻ thu phí, ông Lâm cho biết, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM đã công bố mẫu thẻ IC thông minh sử dụng để đi tuyến đường sắt đô thị metro số 1. Loại thẻ này cho phép hành khách thực hiện thanh toán đa dạng các hình thức. Việc ứng dụng thẻ thông minh sẽ giúp việc vận hành tuyến metro thuận tiện nhất.
Tàu metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) dừng ở ga Bình Thái. Ảnh: TTXVN |
Phát triển mô hình TOD
Trước ý kiến cử tri về làm kinh tế giao thông, ông Trần Quang Lâm cho rằng, kinh tế giao thông là dùng giao thông kích thích sự phát triển kinh tế của khu vực và ngược lại. Giám đốc Sở GTVT cho biết, sau quá trình làm việc với các đơn vị tư vấn, hiện thành phố đang học tập và triển khai kinh tế giao thông. Thành phố đã thành lập tổ nghiên cứu phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD).
Theo đó, TP HCM sẽ nghiên cứu quy hoạch xung quanh các nút giao của tuyến Vành đai 3 và các tuyến giao thông khác, quy hoạch xung quanh các nhà ga của các tuyến Metro, nhằm phát huy hiệu quả, tạo thêm quỹ đất dọc theo tuyến đường, vừa tạo cảnh quan vừa tạo không gian, kêu gọi đầu tư, phát huy được quỹ đất gắn với hạ tầng giao thông.
Ông Trần Quang Lâm cho biết năm 2022, thành phố đã tổ chức hội nghị để rà soát đánh giá quy hoạch giao thông và nhận định quy hoạch giao thông của TP HCM cơ bản phù hợp với xu hướng phát triển của thành phố, tương ứng với các quy hoạch ngành của quốc gia.
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng trong quy hoạch giao thông thành phố cần nghiên cứu để bổ sung điều chỉnh, trong đó ưu tiên 2 vấn đề.
Thứ nhất là quy hoạch kết nối vùng. Trong đó cần tăng cường kết nối vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; bổ sung kết nối đường sắt, kéo dài tuyến Metro số 1 đến Bình Dương, Đồng Nai.
Thứ 2 là giao thông phát triển đồng bộ cùng đô thị và phát huy hiệu quả chung, theo đó bổ sung các tuyến quy hoạch ven sông, các tuyến đường sắt đô thị.
Quy hoạch giao thông cần nguồn lực và thời gian
Đối với ý kiến đại biểu về việc thực hiện quy hoạch còn chậm, theo Giám đốc Sở GTVT, để triển khai quy hoạch thì phải triển khai dự án, cần nguồn lực và thời gian. Vừa rồi, TP HCM đã đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ và nhận thấy nguồn lực dành cho giao thông so với kế hoạch thực hiện chỉ đạt 30%, đó là nguyên nhân thực hiện các dự án chậm, thực hiện quy hoạch chậm.
Ngoài ra, một số dự án có nguồn lực nhưng triển khai thực hiện không đạt tiến độ. Trong đó, theo giám sát của HĐND thành phố, nguyên nhân lớn nhất nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư.
Đại biểu HĐND thành phố đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: VGP |
Để giải quyết các vấn đề này, ông Lâm cho biết trong Nghị quyết 98 mới được Quốc hội thông qua có nhiều cơ chế để phát huy nguồn lực. Ví dụ như đầu tư dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng tiền (trước đây BT thanh toán bằng đất).
Về vấn đề phát triển du lịch đường thủy, ông Lâm cho biết thành phố xác định tiềm năng đường thủy trong vận tải hàng hóa, hành khách là rất lớn. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, theo ông Lâm, cần phát triển trên bờ, hai bên bờ sông có không gian xanh, đẹp để thu hút doanh nghiệp, du khách.
Ngoài ra, ông Lâm thông tin, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ có thêm nhất 5 tuyến giao thông đường thủy, đồng thời sẽ phát triển các khu neo đậu, nhà hàng ở Cần Giờ.