Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trên một bản tin được phát tại Seoul, Hàn Quốc ngày 16/1/2024, Ảnh: AP |
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, quyết định bãi bỏ các cơ quan phụ trách đối thoại và hợp tác với Hàn Quốc được đưa ra trong khuôn khổ phiên họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Tối cao (SPA) lần thứ 14.
Cụ thể, tuyên bố cho biết việc thống nhất với Hàn Quốc không thể đạt được do nước này áp dụng các chính sách “thống nhất thể chế” và “thống nhất thông qua hấp thụ” trong gần 80 năm qua – các chính sách đi ngược lại đường lối thống nhất của Triều Tiên.
SPA nhận định việc coi Hàn Quốc là đối tác ngoại giao và hòa giải là “một sai lầm nghiêm trọng”, đặc biệt là khi Seoul coi Bình Nhưỡng là “kẻ thù chính” trong khi “liên tục tạo ra cuộc khủng hoảng không thể kiểm soát trên bán đảo Triều Tiên cùng với các thế lực bên ngoài”.
Do đó, “Ủy ban Quốc gia về Thống nhất Hòa bình, Cục Hợp tác Kinh tế Quốc gia và Cục Du lịch Quốc tế Kumgangsan - các cơ quan tồn tại nhằm đối thoại, đàm phán và hợp tác với Hàn Quốc - đều bị bãi bỏ”. Kết quả cuộc họp còn nhấn mạnh rằng chính phủ Triều Tiên sẽ thực hiện “các biện pháp thiết thực” để thực hiện quyết định này.
Ủy ban Quốc gia về Thống nhất Hòa bình là cơ quan chính của Triều Tiên xử lý các vấn đề liên Triều kể từ khi thành lập vào năm 1961. Trong khi đó, Cục Hợp tác Kinh tế Quốc gia và Cục Du lịch Quốc tế Kumgangsan được thành lập để xử lý các dự án kinh tế và du lịch chung giữa hai miền Triều Tiên trong thời gian hòa giải ngắn ngủi vào những năm 2000.
Phát biểu tại phiên họp, ông Kim Jong Un – Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên – cũng nhận định “quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hiện đã hoàn toàn được cố định thành quan hệ giữa hai quốc gia thù địch”. Do đó, việc nước này xây dựng lập trường mới về mối quan hệ Bắc – Nam cũng như việc bãi bỏ một số cơ quan được thành lập với tư cách là cơ quan vì thống nhất hòa bình là “một quá trình tất yếu”.
Ông Kim khẳng định Hàn Quốc và Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời kêu gọi việc sửa đổi một số nội dung trong Hiến pháp Triều Tiên liên quan tới vấn đề hòa giải cùng Hàn Quốc.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm sau khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự kết hợp nhằm đáp trả các vụ phóng tên lửa và tập trận mô phỏng của Triều Tiên.
Hồi tháng 11/2023, Hàn Quốc tuyên bố đình chỉ một phần thỏa thuận liên Triều và tái khởi động hoạt động giám sát trên không đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thông báo phóng thành công vệ tinh do thám quân sự vào quỹ đạo trong cùng ngày.
Được ký kết trong khoảng thời gian hòa giải ngắn ngủi năm 2018, thỏa thuận giảm căng thẳng đã giúp thiết lập vùng đệm và vùng cấm bay dọc biên giới được củng cố nghiêm ngặt của Hàn Quốc và Triều Tiên. Theo thỏa thuận, hai miền Triều Tiên được yêu cầu dừng các hoạt động do thám trên không ở tuyến đầu của nhau cũng như các cuộc tập trận bắn đạn thật, đồng thời dỡ bỏ một số đồn gác và mìn ở khu vực biên giới.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tới năm 2019 tiếp tục căng thẳng trở lại sau khi quan hệ ngoại giao hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên sụp đổ. Kể từ đó, Bình Nhưỡng đã tăng cường các vụ thử tên lửa để hiện đại hóa kho vũ khí của mình, khiến Mỹ và Hàn Quốc mở rộng các cuộc tập trận phòng thủ như một động thái phản ứng.