VDSC: Hàng tồn kho của ngành may lớn hơn mức thị trường có thể hấp thụ

Dệt May Việt nAM
15:32 - 28/11/2022
VDSC: Hàng tồn kho của ngành may lớn hơn mức thị trường có thể hấp thụ
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chậm lại, hàng tồn kho các sản phẩm may mặc của các nhà bán lẻ và các nhãn hàng tiếp tục ở mức cao sẽ làm xấu đi triển vọng đơn hàng dệt may của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023.

Tại báo cáo cập nhật triển vọng ngành dệt may năm 2023 vừa qua, Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng, xuất khẩu của ngành may sẽ xấu đi trong nửa đầu năm 2023 do những diễn biến từ tình hình vĩ mô tiếp tục gây áp lực lên sức tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính.

Lạm phát tại Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam dự kiến sẽ giảm từ từ tiếp tục tác động tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng của nhóm hàng không thiết yếu, trong đó có sản phẩm may mặc.

VDSC cho biết, theo dữ liệu lịch sử, doanh số bán lẻ quần áo và giày dép tại Mỹ phải mất 8-10 tháng để hồi phục dần kể từ khi lạm phát đạt đỉnh.

Do tình hình tắc nghẽn trong vận chuyển đơn hàng hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến trong khi lượng đặt hàng mới chưa điều chỉnh giảm kịp, lượng hàng may mặc và giày dép nhập khẩu của Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 8/2022.

"Từ đó vô hình chung tạo sức ép trong việc tiêu thụ hàng tồn kho trong quý IV/2022 hoặc thậm chí kéo dài cho đến nửa đầu năm 2023", báo cáo viết.

Doanh số bán lẻ quần áo và giày dép tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã có dấu hiệu kém khả quan từ tháng 10/2022 cùng mức tăng trưởng âm, báo hiệu tiếp một mùa khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Trong quý III/2022, các sản phẩm quần áo may mặc trong nhóm sản phẩm bán lẻ phi thực phẩm ghi nhận tăng trưởng thấp nhất ở Anh. Theo quan điểm của VDSC, khách hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt sẽ khó tăng trưởng doanh số trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đang suy yếu.

Khảo sát của người tiêu dùng McKinse cho biết, người tiêu dùng châu Âu dự kiến sẽ giảm chi tiêu cho các sản phẩm may mặc và giày dép, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp.

Ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng cho các sản phẩm quần áo và giày dép thu hẹp lại báo hiệu trước những khó khăn sắp tới cho các nhãn hàng và nhà bán lẻ hàng may mặc tại châu Âu.

Trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu cùng với việc các nhà bán buôn cắt giảm đơn đặt hàng đồng thời với giải phóng hàng tồn kho, hàng tồn kho của ngành may mặc hiện tại có thể rơi vào tình trạng lớn hơn mức thị trường có thể hấp thụ.

Số lượng ngày tồn kho của hầu hết các thương hiệu và nhà bán lẻ đã tăng lên mức cao sau đại dịch, bắt đầu từ quý II/2022.

Áp lực tiêu thụ hàng tồn kho và kế hoạch như mở rộng các chương trình khuyến mãi để đẩy hàng tồn kho được dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến cuối quý IV/2022 hoặc tới nửa đầu 2023.

Chứng khoán VDSC cho rằng, trong khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chậm lại, hàng tồn kho các sản phẩm may mặc của các nhà bán lẻ và các nhãn hàng tiếp tục ở mức cao sẽ làm xấu đi triển vọng đơn hàng dệt may của Việt Nam trong nửa đầu năm tới.

"Với 2023, chúng tôi tin rằng đây sẽ là một năm đầy thách thức phía trước. Chúng tôi cũng khuyến nghị các nhà đầu tư chờ đợi các tín hiệu về triển vọng tiêu thụ phục hồi trở lại", chuyên gia VDSC khuyến nghị.

Kỳ vọng xuất khẩu năm 2023 đạt 47 tỷ USD

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng theo kết quả kinh doanh 10 tháng năm 2022, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang cho biết trong buổi họp báo tình hình dệt may năm 2022 và dự báo năm 2023, ngành dệt may vẫn ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp với giá trị xuất khẩu đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so cùng kỳ 2021.

Theo ông Giang, kết quả đạt được là do Việt Nam tham gia 15 hiệp định thương mại có hiệu lực, nền tảng tạo ra sự đa dạng hóa thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành dệt may đang đẩy nhanh chuyển đổi từ sản phẩm dệt may Việt Nam gia công nhiều, sang quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững với những loại sợi mới từ cây gai, lông cừu.

“Chúng tôi nhìn nhận việc lạm phát, đồng tiền mất giá, sức mua của các nước lớn giảm là rủi ro. Nhưng thời gian vừa qua, đây chính là áp lực buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường. Nhiều doanh nghiệp trong khó khăn vẫn tăng trưởng như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, An Phước... ", ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Đại diện Vitas cho hay, với những kết quả đạt được trong 10 tháng vừa qua, mục tiêu xuất khẩu 42 - 43 tỷ USD là có thể đạt được trong năm 2022. Sang năm 2023, ngành dệt may đưa ra tham vọng đột phá vượt qua thách thức khó khăn, đạt xuất khẩu khoảng 45 - 47 tỷ USD, tùy diễn biến thị trường nhập khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp