Toàn cảnh tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn MSF 2022. |
Ngày 19/10, Diễn đàn chính của chuỗi hoạt động Diễn đàn đa phương MSF 2022 với chủ đề “Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm tra soát”, đã diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020, đóng góp lớn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị trên thế giới, xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh nhằm tránh tập trung vào một số thị trường truyền thống.
Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc hội nghị. |
Ông Marcin Piatkowski, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ban Tài chính Cạnh tranh và Đổi mới toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WorldBank) cho biết, xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư toàn cầu đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam khi nền kinh tế có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm sản xuất lớn trên thế giới.
Việt Nam hiện đang có nền kinh tế hồi phục nhanh sau đại dịch, môi trường kinh doanh ổn định với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, lực lượng lao động dồi dào, học hỏi nhanh và hơn 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các ngành nghề, có thể liên kết, hợp tác để cùng phát triển với các doanh nghiệp FDI.
Ông Marcin cho biết, nguồn vốn FDI có thể đổ vào Việt Nam có thể lên tới con số khoảng 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để có thể hấp thụ tối đa nguồn vốn này làm động lực để phát triển kinh tế đất nước, Việt Nam trước tiên cần có những doanh nghiệp dẫn đầu chuỗi cung ứng trong nước, những “con chim đại bàng” đủ mạnh để thu hút nguồn vốn và kết nối, san sẻ tới những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Để làm được điều này, lấy kinh nghiệm của một nước đang đi tiên phong trong lĩnh vực kiến tạo chuỗi cung ứng trong nước, ông Kim Dong Soo, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET), chia sẻ về mô hình đã được Hàn Quốc áp dụng từ những năm 70 tới nay.
Hai yếu tố quan trọng được đề cập là “lựa chọn” và “tập trung”. Nhà nước Hàn Quốc lựa chọn một số ngành là trọng tâm và dồn mọi nguồn lực phát triển những ngành đó.
Vì vậy, những doanh nghiệp như Samsung, LG, Huyndai...đã có nhiều điều kiện và lợi thế phát triển hơn doanh nghiệp những ngành khác.
Khi họ đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu, là “con đại bàng” của nền kinh tế, những doanh nghiệp này sẽ quay trở lại để giúp những thành phần khác của nền kinh tế cùng phát triển.
Ông Kim Dong Soo, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET) cho biết về mô hình "lựa chọn" và "tập trung" của Hàn Quốc. |
Mô hình này được các diễn giả kiến nghị áp dụng tại Việt Nam. Đồng tình với ý kiến này, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đã xác định 6 ngành trọng điểm trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ như dệt may, da giày, điện tử, cơ khí, công nghệ…để huy động nguồn lực và tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp thuộc những ngành này.
Tuy nhiên, bà Lan cũng thừa nhận rằng hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp “đại bàng” trong công nghiệp chế biến, chế tạo để dẫn dắt chuỗi cung ứng trong nước.
"Dù các doanh nghiệp đang nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, nỗ lực mở rộng khả năng kết nối nhưng chưa thực sự có chiến lược rõ ràng về tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Lan nói.
Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp như vừa trải qua một “trận bão”, gặp phải những khó khăn lớn như khó tiếp cận nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chưa có nguồn lực để tiếp cận công nghệ mới và lực lượng sản xuất chất lượng cao nên khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vì vậy, hiện nay VCCI đang phối hợp với Samsung để kết nối, hỗ trợ, đưa các dự án hỗ trợ tới gần các doanh nghiệp Việt Nam như dự án đào tạo 50 doanh nghiệp xây dựng nhà máy thông minh, đáp ứng nhu cầu của Samsung.
Đây là dự án mới nhất của Samsung trong chương trình “đồng thịnh vượng” mà Samsung đã làm để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương Tập đoàn này tới đầu tư.
Từ đầu năm 2022 tới nay, Samsung đã đào tạo cho 14 doanh nghiệp phía Bắc và sắp tới sẽ đào tạo cho 12 doanh nghiệp phía Nam.
Hiện nay, quy mô thương mại Việt Nam đạt 670 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.
Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể, Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.