Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Sáng 5/9, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2024. Trọng tâm của hội nghị xoay quanh vấn đề thành lập Trung tâm giao dịch phát triển cung ứng nguyên phụ liệu ngành thời trang tại Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu da giày lớn thứ 2 thế giới, xuất khẩu dệt may lớn thứ 3. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của hai mặt hàng này đạt khoảng 30 tỷ USD, chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, dù chiếm tỷ trọng cao về kim ngạch xuất khẩu nhưng đóng góp của doanh nghiệp nội địa trong các ngành này còn hạn chế. Doanh nghiệp FDI dệt may tại Việt Nam chỉ chiếm 24% về lượng nhưng lại sở hữu hơn 60% giá trị xuất khẩu; ngành da giày cũng chỉ chiếm 30% về lượng nhưng lại sở hữu gần 80% về kim ngạch.
“Thực tế, ngành dệt may, da giày Việt Nam vẫn tập trung nhiều ở khâu gia công nên giá trị gia tăng thấp. Nguồn nguyên, vật liệu lại chủ yếu nhập khẩu từ thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN khác,” ông Phạm Tuấn Anh nói.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu nhóm ngành dệt may, da giày đạt khoảng 13,42 tỷ USD, tăng 14,11% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Tuấn Anh cho rằng, việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển chung của toàn ngành thời gian tới, khi nhiều thị trường xuất khẩu trên thế giới (Mỹ, EU) hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 và họ đang đặt ra các quy định khắt khe về nguồn cung.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, hiện nay có hơn 60 - 70% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành dệt may, da giày Việt Nam phải loay hoay tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc nhập nguồn nguyên liệu theo sự chỉ định của khách hàng.
Do đó, việc thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu có quy mô lớn tại Việt Nam sẽ giúp ngành dệt may, da giày bước đầu gỡ được nút thắt về nguồn cung, thúc đẩy hoạt động đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam, phục vụ xuất khẩu và nội địa.
Theo đề xuất mà Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam công bố tại hội nghị về việc đầu tư xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam, Hiệp hội này cho rằng, việc thành lập trung tâm sẽ quy tụ các nhà cung ứng sản phẩm nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày. Các nhà cung ứng tham gia sẽ phải có sự chuẩn bị sẵn các yêu cầu thị trường, do đó việc truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu sẽ được đảm bảo.
Khi chủ động hơn về nguồn cung, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rút ngắn thời gian ra mẫu chào hàng đối tác; chi phí, giá cả cạnh tranh hơn. Đồng thời, trung tâm ra đời còn hình thành thị trường giao dịch nguyên phụ liệu ngành thời trang minh bạch; hình thành các giao dịch và hoạt động về nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất, từ đó giúp các doanh nghiệp tiệm cận nhanh tới các công nghệ mới, công nghệ sạch.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội chuyển đổi phương thức sản xuất sang phân khúc có giá trị cao hơn như FOB - doanh nghiệp chủ động mua nguyên vật liệu, sản xuất và giao hàng; OEM - doanh nghiệp gia công tham gia vào khâu đầu tư máy móc thiết bị; ODM - doanh nghiệp chủ động khâu thiết kế...
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng đã giao Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam là cơ quan chủ trì kết hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam làm một đề án chi tiết về việc thành lập trung tâm. Trong đó có các giai đoạn thực hiện, nghiên cứu mô hình, định hướng tương lai, nội dung về cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực, đề xuất cụ thể từ phía hiệp hội...