Virus đậu mùa khỉ đã trưởng thành (màu hồng) và chưa trưởng thành (màu xanh). Ảnh: CYNTHIA S. GOLDSMITH, RUSSELL REGNERY AND HANNAH BULLOCK/CDC |
Theo dữ liệu của WHO, hiện thế giới ghi nhận hơn 16.000 ca nhiễm đậu mùa khỉ trên hơn 70 quốc gia. Số ca nhiễm được xác nhận đã tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 với Châu Âu chiếm hơn 80%. Nam giới quan hệ tình dục đồng giới hiện được coi là có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, với khoảng 98% số ca ghi nhận được là thuộc cộng đồng này.
Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nhấn mạnh rằng bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ bất kể khuynh hướng tính dục. Cơ quan y tế Liên Hợp quốc cũng khẳng định dù các ca bệnh cho đến nay chủ yếu vẫn tập trung trong cộng đồng đồng tính nam và song tính, hiện có rất ít bằng chứng cho thấy virus này sẽ chỉ giới hạn trong các cộng đồng này. Ngược lại, đây có thể là dấu hiệu của một đợt bùng phát rộng hơn.
Trong bài phỏng vấn với CNBC, Tiến sĩ Catherine Smallwood, nhân viên cấp cứu cấp cao của WHO, nhấn mạnh “chúng ta không nên kỳ vọng mọi chuyện sẽ mãi duy trì như hiện tại”.
Nguyên nhân được bà đưa ra là có nhiều đợt bùng phát virus cũng bắt đầu từ một nhóm hoặc một vùng cụ thể trước khi lây lan rộng rãi hơn trong cả xã hội nói chung. Các cơ quan y tế vì vậy cần tìm ra những gợi ý từ những đợt bùng phát sớm để đưa ra phương pháp đối phó cần thiết.
Ngoài ra, tuy triệu chứng bệnh nhẹ và phần lớn các ca nhiễm có thể tự khỏi trong vòng 2 tới 4 tuần, các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể trở nên rõ ràng nếu virus lây lan sang các nhóm dễ bị tổn thương về mặt miễn dịch. Theo bà Smallwood, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch được coi là những đối tượng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trong trường hợp này.
Nhận định này cũng đã được khẳng định với việc CDC Mỹ xác nhận 2 trẻ em ở nước này đã được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ. Vào cuối tuần trước, cơ quan này cho biết 1 ca nhiễm là một trẻ mới biết đi ở California và một trẻ sơ sinh không phải là cư dân Hoa Kỳ. Cả 2 đứa trẻ đều đang được điều trị và có sức khỏe tốt. Dù chi tiết về tình hình ca bệnh cũng như nguyên nhân lây nhiễm vẫn chưa được làm rõ, các quan chức y tế nhận định có khả năng cao những đứa trẻ mắc bệnh do lây truyền trong nhà.
Nhiều quốc gia lưu hành dịch như Anh và Mỹ đã bắt đầu phát hành vaccine cho những người thuộc các cộng đồng có nguy cơ lây nhiễm cao. Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh đó, WHO cũng đã kích hoạt mức cảnh báo cao nhất với đợt bùng dịch ngày càng lan rộng. Việc chỉ định đồng nghĩa với việc tổ chức này coi đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ là một mối đe dọa đủ lớn đối với sức khỏe toàn cầu và cần có một phản ứng quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan xa hơn nữa tới các cộng đồng khác của virus này rồi cuối cùng hình thành một đại dịch.
Theo tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, do đợt bùng dịch này lây lan nhanh thông qua các phương thức lây truyền mới chưa được tìm hiểu rõ, dịch đậu mùa khỉ trên toàn cầu được ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm.
Hiện các chuyên gia y tế xác nhận có một số loại vaccine cũng như thuốc kháng virus được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Các quốc gia cũng đã tăng cường các chương trình tiêm phòng cho những người thuộc các cộng đồng được coi là có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Mỹ, Anh cùng các quốc gia châu Âu khác đều đã và đang có kế hoạch tung ra hàng trăm nghìn liều.
Tuy nhiên, những loại vaccine này được thiết kế chủ yếu để điều trị bệnh đậu mùa và vì vậy vẫn cần được nghiên cứu và thu thập thông tin nhiều hơn để xác định được hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch đậu mùa khỉ lây lan.