Xác định chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

văn hóa Việt nAM
11:59 - 22/12/2023
Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: VGP
Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, diễn ra vào sáng 22/12.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "Công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể, thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế".

"Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường này có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Chính phủ cũng nhận xét, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh dù Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển ngành công nghiệp này.

Thủ tướng nêu rõ: "Để công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến từ nhận thức, tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "Sáng tạo - bản sắc - độc đáo - chuyên nghiệp - cạnh tranh" trên nền tảng văn hóa "Dân tộc – khoa học – đại chúng" của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943".

Nhấn mạnh hội nghị hôm nay là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất những chiến lược cụ thể, trong đó nêu rõ lộ trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua, nêu giải pháp tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách.

"Những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao? Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như thế nào? Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa? Có cần xây dựng một Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cho giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ hơn?" Thủ tướng Chính phủ nêu câu hỏi.

Đọc tiếp